Meatball capellini – Mì sợi xốt thịt viên

 photo 1_zps3af7d50b.jpg
Khi gõ cụm từ MÌ Ý vào khung tìm kiếm của anh Gu Gồ, chắc chắn cái tên Meatball Spaghetti sẽ hiện ra ngay trong nhóm những món mì đặc trưng nhất. Không nghi ngờ gì về độ ngon và dễ của nó đâu nhé nhưng cái món nước xốt cà chua ấy quả thực hợp rơ với thịt viên thật đấy. Lại còn dễ làm.
😀 Và vì dễ nên hôm nay ta ăn mì thịt viên vào bữa tối nhé.
Người Ý thì người ta ăn xốt cà chua đặc và cái xốt đặc ấy sẽ bao lấy sợi mì. Có nghĩa là đĩa mì sẽ khá khô ráo. Nhưng anh xã nhà này lại thích đĩa mì có cả xốt sóng sánh cơ. Ừ thì nhiều xốt, gì chứ cái khoản này “nhà trồng được”, chiều tốt!
 photo 3_zps6f9be176.jpg
Nguyên liệu:
300gr mì capellini/spaghetti
200gr thịt heo xay
200gr thịt bò xay
1 củ hành tím nhỏ
Phô mai ( Tớ dùng mozzarella tươi vì đang còn dư 1 ít sau món salad, các bạn dùng loại nào cũng được nhé: parmesan, cheddar hay thậm chí Con Bò Cười cũng được hết)
Húng quế
Tiêu, muối
Dầu olive

Cách làm:

1. Băm nhỏ hành củ, lá húng quế ( Nếu không có húng tươi thì có thể dùng basil khô nhé)
Trộn đều thit heo, thịt bò với húng và hành. Thêm chút tiêu muối rồi trộn cho đều rồi viên thành từng viên tròn.
Quét dầu olive vào chảo chống dính rồi xếp các viên thịt vào chảo.
Bắc chảo lên bếp, bật lửa to và áp chảo đều các viên thịt cho cháy cạnh.
Vì mình còn đem thịt om với xốt nên mục đích của việc áp chảo thịt chỉ là tạo màu đẹp và định hình viên thịt thôi nên các bạn đừng để thịt chín, khi nấu tiếp sẽ bị chín kĩ quá khiến thịt khô xác.
 photo m1_zps5aa2301d.jpg
2. Cà chua khứa nhẹ hình chữ thập cho rách vỏ rồi đem luộc nước sôi 3-5p.
Bóc vỏ cà chua rồi thái nhỏ.
Cho cà chua vào chảo xào với dầu olive, chút hành bằm, lá oregano khô và muối.
Om cho cà chua chín như và cạn boét nước thì thêm cà chua thái hạt lựu vào om tiếp cho xốt lên màu, cà chua chín nhừ thì cho thịt viên vào.
 photo m2_zpsbe5bfe7a.jpg
3. Trong lúc đợi nấu xốt cà chua thì ta luộc mì theo hướng dẫn trên bao bì.
Mì chín thì vớt ra xả nước lạnh qua cho mì khỏi dính. Để mì ráo nước.
 photo m3_zps1e45757f.jpg
4. Thịt viên chỉ mất thêm 2 đến 3 phút để chín.
Thịt chín ta cho mì vào chảo đảo đều.
Xốt sôi lại thì cho phô mai vào.
Tắt bếp.

5. Dọn mì ra đĩa, rắc thêm vài lá húng quế và … măm măm thôi chứ còn gì nữa.
 photo 2_zps4b987438.jpg

Salad phô mai Mozzarella tươi – một chút Ý cuối hè

 photo 2_zpsbc50edd1.jpg

Nguyên liệu:
125gr phô mai mozzarella tươi
½ cây xà lách xoăn hoặc 4-5 lá
1 vài lá cải rocket/cải salad hoặc cải xanh non tùy ý
½ quả táo giòn
2 quả cà chua tươi. Bạn có thể dùng cà chua bi hoặc cà chua cocktail.
1 nhúm húng tây
1 nhúm lá bạc hà
½ cup croutons( bánh mì cắt hạt lựu chiên giòn)
1 quả chanh đào
3 muỗng mật ong
5 muỗng dầu olive
Muối, tiêu

Cách làm:
1. Rửa sạch các loại rau. Bỏ phô mai ra khỏi tủ lạnh cho phô mai “nguội” ( hết lạnh)
 photo m1_zpsa3fa5c75.jpg
2. Với các loại rau lá, vẩy khô nước. Thấm khô cà chua.
Cắt khúc rau xà lách. Cắt đôi lá cải nếu to hoặc để nguyên nếu lá cải còn nhỏ.
Cà chua thái múi cau.
Rau thơm nhặt bỏ cọng, chỉ lấy phần lá.
Táo gọt bỏ vỏ, thái lát. Vắt chút nước chanh vào táo để táo không bị thâm.
Phô mai vớt ra, để 1 chút cho chảy hết nước bám. Cắt phô mai thành các miếng hạt lựu to bằng croutons.

 photo freshmozza_zps3ee0516e.jpg3. Lần lượt bày các nguyên liệu vào đĩa, trừ bánh mì croutons.
4. Pha nước trộn dầu giấm: 3 muỗng mật ong + 5 muỗng dầu olive + nước cốt 1 quả chanh đào + chút muối, tiêu. Đánh đều lên rồi dội vào đĩa salad.
5. Rắc bánh mì croutons lên mặt đĩa và phục vụ.
 photo 1_zps18008c73.jpg
Bánh mì croutons rất giòn giúp tăng hương vị cho món salad nhưng ngược lại chúng cũng nhanh bị ỉu. Bánh mì croutons ngấm nước trộn trở nên mềm nát thực sự hủy hoại món salad của bạn nên hãy rắc bánh mì lên trên món salad sau khi bạn trộn đều salad hoặc ăn ngay sau khi trộn để món salad của bạn được hoàn hảo nhất nhé.

Gà nướng mật ong đơn giản mà ngon đứt ngoài hàng

 photo 1_zpsc8909359.jpg
Món gà nướng mật ong ở vỉa hè thật quyến rũ. Tuy nhiên, đằng sau hương vị hấp dẫn ấy có là một quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thì không ai đảm bảo được. Vậy tại sao chúng mình không tự thỏa mãn cơn thèm với cách làm gà nướng cực kì đơn giản sau đây:
Nguyên liệu:
4 cánh gà
2 đùi gà
Gia vị ướp thịt nướng( có sẵn, muối, đường, bột tớt, bột tiêu, bột tỏi, lá hương thảo khô )
Dầu hào
Mật ong
Cách làm:
 photo m1_zpsf8622588.jpg
1. Gà rửa sạch rồi thấm khô, khía và đường trên đùi gà để gia vị dễ thấm.
2. Ướp gà với 1 muống dầu hào, 2 thìa cà phê gia vị ướp thịt nướng, 1 muỗng mật ong. Bọc bát gà cho kín rồi đặt vào tủ lạnh 2h để gà thấm gia vị.
3. Xiên gà vào xiên quay của lò nướng. Nướng đùi gà 40 p, cánh gà 30p ở 200 độ C là gà chín.
 photo IMG_6185_zpsbe467a43.jpg
Nếu không có lò nướng quay, bạn hoàn toàn có thể nướng gà với khay nướng bình thường hoặc chảo 2 mặt.
Nếu không có gia vị sẵn, hãy tự trộn gia vị ướp thịt nướng theo công thức sau đây:
2 muỗng muối gia vị ( muối bột canh)
1 muỗng đường
1 thìa cà phê ngũ vị hương
1 thìa café bột tỏi
1 thìa café bột hành
1 thìa café tiêu xay
1 thìa cà phê lá hương thảo khô
1 thìa cà phê ớt bột Hàn quốc
1 thìa cà phê ớt bột khô Việt Nam _ nếu bạn thích ăn thịt nướng có vị cay

Canh sầu riêng – béo bổ bất ngờ

 photo 1_zpsc5c0a9c8.jpg

Gọi là canh sầu riêng nhưng kì thực canh nấu bằng cùi sầu riêng. Chuyện miệt vườn vẫn đùa nhau rằng,canh sầu riêng là canh “con nhà nghèo” bởi chỉ có nghèo mới phải tận dụng những phần nguyên liệu tưởng chừng như vứt đi để đem nấu nướng. Ấy nhưng ai mà “nghiền” sầu riêng ăn món canh cùi sâu riêng một lần hẳn không thể không mê nốt món ăn này. Cùi sầu riêng đem nấu với phần bạc nhạc bò cho ra cái vị béo, mùi thơm ngậy ngất ngây. Húp thìa nước dùng đậm màu lẫn vị thì thấy không thua kém gì gà tần thuốc bắc.
Nếu thích thanh cảnh hơn, bạn có thể đem cùi sầu riêng hầm với sườn heo, tôm ngô rất ngọt nước mà lại thanh vị.

 photo 2_zps8248ec9c.jpg

Nguyên liệu:
400gr bạc nhạc bò
2-3 miếng cùi sầu riêng to
Hành hoa, mùi tàu
Cách làm:
 photo m1_zps5ea7fa7d.jpg
1. Cùi sầu riêng cắt đôi, bỏ đầu. Dùng dao bén lạng hết phần vỏ gai, xơ giữa.
2. Rửa sạch cùi sầu riêng với nước sạch. Nếu không ăn được béo nhiều, dùng tay miết bỏ những phần cơm thừa còn dính trên vỏ. Còn nếu bạn quen với vị ngọt và béo này rồi, hãy để nguyên cho canh thêm đậm đà.
Bạc nhạc bò ( thịt gân, thịt dẻ sườn đều được ) rửa sạch cắt miếng vừa ăn.
 photo m2_zpse20ca0af.jpg
3. Cho cùi sầu riêng, bạc nhạc bò thái nhỏ vào nồi hầm cũng chút gia vị. Hầm trong vòng 1-2h cho tới khi cùi sầu riêng mềm tơi, nước sánh lại chuyển màu đậm.
Nêm nếm lại nước canh cho vừa ăn.
4. Múc ra bát, rắc hành, mùi tàu thái nhỏ lên dùng nóng.

 photo 3_zps2cf94197.jpg

Bạn nên biết: Cùi sầu riêng tính mát, giàu chất xơ. Đem cùi sầu riêng nấu canh thì có tác dụng chống viêm, đặc biệt giải nhiệt rất tốt trong mùa hè. Riêng với chị em thì bổ âm, bổ máu, giúp chị em giữ lửa gối chăn rất tốt.

Gà nướng lá mắc mật

 photo 1_zps2f762cd8.jpg

Nguyên liệu:
2 miếng ức gà
30gr lá mắc mật
3 muỗng dầu hào
2 củ xả
1 muỗng dầu mè
Hạt nêm/muối

 photo 2_zps23a0f8d4.jpg

Cách làm
1. Ức gà rửa sạch, thấm khô.
Lọc bỏ mỡ bèo nhèo, xương chữ Y ( 1 mảnh nhỏ nằm ở góc tù) rồi lạng đôi.
Khứa mặt lưới lên 2 mặt miếng ức gà.
 photo m1_zps0ecb8c39.jpg
2. Rắc hạt nêm/muối, dầu hào xoa đều lên 2 mặt miếng gà. Lá mắc mật vò nát ướp cùng 30p cho thấm.
 photo m2_zps6935d8fe.jpg
3. Củ sả thái chéo mỏng, ngắt vài lá mắc mật tươi. Đem cả 2 thứ chao qua dầu mè cho thơm.
4. Rưới dầu mè vào chảo ( dầu vừa chao sả và lá mắc mật) Láng cho dầu quét 1 lớp mỏng trên chảo. Đổ bớt dầu thừa ra. Cho thêm lá mắc mật vào cho thơm.
 photo m4_zpse03aecf9.jpg
5. Áp chảo từng mặt miếng gà cho xém vàng. Mỗi mặt chỉ 4p với lửa lớn là ức gà chín.
 photo m5_zpsc62c4383.jpg
6. Lấy ức gà ra, cắt chéo thành miếng vừa ăn. Dùng nóng.

 photo 3_zps19c274d4.jpg
Bí quyết của tôi.
Khi làm nhiều phần ăn cùng lúc, tôi thường xay 1-200gr lá mắc mật với 50-100ml dầu ăn để làm thành xốt mắc mật tươi. Đem xốt này quét lên miếng gà khi ướp và khi vừa nướng xong thì gà rất thơm và thấm đẫm mùi mắc mật lại không sợ ức gà khô. Nếu chỉ làm 1-2 phần ăn thì lượng mắc mật cần dùng sẽ ít không đủ để cối máy chạy nên tôi sẽ vò nát lá để tinh dầu trong lá tươm ra nhiều hơn, thấm vào gà được đậm đà.

Các bạn cũng lưu ý, món ức gà khi nguội rất khô xác nên hãy ăn ngay sau khi dọn ra khỏi chảo để tận hưởng được hết vị ngon của món ăn nhé.

DORAYAKI – Bánh rán Đô Rê Mon

Công thức dành cho tạp chí EMdep – chuyên mục Chef của tôi
 photo cats_zpsec7b695b.jpg
Bánh rán Đô rê mon thì hẳn là bé sẽ thích ăn lắm. Nhưng chắc mẹ thắc mắc bánh ấy là như thế nào? Làm có khó không?
Xin thưa, không hề khó. Bánh rán Đô Rê Mon thực chất là một pancake mật ong kẹp nhân. Nhân truyền thống là mứt đậu đỏ azuki đã quá quen thuộc, ngày nay, người Nhật còn kẹp bánh rán với mứt hạt dẻ, phô mai, kem phô mai, kem bơ, … cho đa dạng. Thậm chí, nếu như không thích kẹp nhân thì bánh cũng có thể ăn không rất tuyệt.
Nguyên liệu rất dễ kiếm, cách làm thì đơn giản tới mức bé cũng có thể làm. Mẹ và bé cùng vào bếp thử món bánh này thôi!
Nguyên liệu:
2 quả trứng gà
½ cup đường
1 tbs mật ong
1 cup bột mì
4 tbs nước lạnh
½ tsp baking soda
Nhân mứt đậu đỏ/hạt dẻ hoặc mật ong, bơ tươi tùy ý
Cách làm
1. Rây một mì với bột nở cho mịn.
2. Cho trứng với đường vào 1 tô lớn. Đánh cho trứng bông lên.
 photo make1_zps162e5111.jpg
3. Thêm mật ong vào tô trứng. Tiếp tục đánh bông cho trứng nhạt màu và bọt trứng mịn.
Thêm nước vào, đánh đều.

 photo make2_zpsbdcff365.jpg
4. Từ từ thêm bột vào, đánh nhẹ tay và nhanh cho bột hòa quên đều với trứng.
 photo make3_zps251ab09c.jpg
5. Để bột nghỉ 5-10 phút. Trong lúc ấy, mẹ chuẩn bị 1 chảo đáy phẳng và 1 muôi sâu cho bé.
 photo make4_zps35f1b79d.jpg
6. Thoa một lớ dầu mỏng lên chảo, để lửa thật nhỏ cho chảo nóng đều.
Múc hỗn hợp bột đổ vào thành miếng tròn to vừa.
Vẫn giữ lửa nhỏ, rán bánh.
Khi thấy bề mặt trên có bong bóng nổi và hơi khô là có thể lật mặt bánh.
Hai mặt bánh có màu vàng nâu, mịn, đều là đạt điểm 10
 photo make5_zps270121cc.jpg
Bánh nguội các mẹ cho bé phết nhân rồi ăn ngay hoặc để tủ lạnh cũng rất ngon nhé.
Nếu muốn ăn bánh nóng, các mẹ cho bé ăn kèm mứt daauhoawcj mật ong rất ngon. Muốn béo ngậy, hãy thêm một miếng bơ nhỏ để bơ tan chảy trên các lớp bánh hoặc ăn kèm với phô mai con bò cười cũng ngon tuyệt.
 photo 2_zps9738b24a.jpg
Bạn có biết: Ban đầu loại bánh này chỉ có một lớp, hình dạng như ngày nay là do Ueno Usagiya sáng tạo ra vào năm 1914. Trong tiếng Nhật, Dora có nghĩa là cồng, chiêng, và tên gọi của loại bánh này có lẽ cũng bởi nó giống với những nhạc cụ này.

Truyền thuyết kể rằng một samurai có tên Benkei đã bỏ quên chiếc chiêng (dora) của anh ta khi rời khỏi nhà của một người nông dân, nơi anh ta ẩn náu. Người nông dân sau đó đã dùng chiếc chiêng bị bỏ lại rán ra những chiếc bánh, và từ đó gọi chúng là Dorayaki.
 photo 1_zps40cb7a98.jpg

Bún thịt băm cà chua – bữa sáng ngon miệng chỉ trong 5p

 photo 6_zpsf162eac3.jpg
Ngày nào cũng phải đau đầu nghĩ xem ăn gì ở đâu. Sáng sớm mà phải suy nghĩ chọn lựa như vậy, chi bằng vào bếp 5 phút là ta có bữa sáng ngon lành tươi rói rồi.
Bạn có thể mua nguyên liệu ở buổi chợ sớm hoặc mua sẵn từ hôm trước rồi trữ trong tủ lạnh. Bạn sẽ thấy bữa sáng ngon lành nhất đang chờ trên chính bàn ăn nhà mình.
 photo 5_zpsb529ed37.jpg
Nguyên liệu: 2 người ăn
300gr bún
200gr thịt heo xay/băm
2 quả cà chua
Hành hoa
Mùi tàu
Mùi ta, giá, húng để ăn kèm
Chanh, ớt

Cách làm:
1. Hành hoa, mùi tàu nhặt rửa sạch. Rau sống nhặt rửa sạch ngâm nước muối loãng 5p rồi vẩy ráo. Cà chua thái múi cau. Mùi tàu, lá hành cắt khúc nhỏ. Đầu hành cắt khúc tầm 1 đột ngón tay.
 photo 2_zpseeb006ba.jpg
2. Cho hành vào chảo với 1 muỗng dầu ăn, phi hành cho thơm lên thì cho cà chua thái múi cau vào vào qua. Đổ thịt băm vào xào cho thịt băm săn. Nêm 1 chút muối. Đảo đều rồi om 3p cho nhừ.
 photo 3_zpsa0826155.jpg
3. Trong lúc đó sắp bún ra bát. Sắp rau sống vào đĩa. Cắt tư trái chanh.
 photo 4_zps8c42ee92.jpg
4. Trở lại với nồi thịt om: Chế nước sôi vào nồi thịt. Nếu có nước dùng nấu sẵn, hãy cho nước dùng vào với lượng vừa chan 2 bát bún. Đun sôi. Nêm nếm lại cho vừa ăn. Cuối cùng, thả hành lá và mùi tàu vào.

5. Tắt bếp, chan nước dùng và thịt băm vào bát bún.

Bữa sáng của bạn đã sẵn sàng rồi!
 photo 1_zps0d7c02ed.jpg
Mách bạn:
Bạn có thể xào qua thịt băm với cà chua vào tối hôm trước rồi cất vào tủ lạnh. Sáng hôm sau chỉ việc lấy ra dùng sẽ tiết kiệm được 3p om thịt.
Nếu bún giữ trong tủ lạnh qua đêm, hãy trần bún với nước sôi trước khi ăn để bún bớt chua và hết lạnh hoàn toàn nhé.

BÁNH MÌ CHẢO TẠI GIA

 photo 1_zps2c66a9bd.jpg

Các bạn có biết lí do vì sao món bánh mì chảo hút hàng đến thế? Dễ ăn? Nhanh gọn? Nóng hổi tới miếng cuối cùng?
Bắt nguồn từ món bít tết trong các nhà hàng sang trọng, bánh mì chảo nhanh chóng khiến mọi người mê mẩn. Nhiều lúc thèm ơi là thèm mà lại ngại phải đi xa, ngại phải chen chân trong các quán đông nghịt hoặc ngại chính cái nóng mùa này.
Vậy thì cùng nhau vào bếp tự làm lấy món bánh mì chảo cao cấp của riêng mình nào.
 photo 3_zpsa630695a.jpg

Nguyên liệu:
400gr thịt than bò wagyu/Úc/Mỹ
4 củ hành tím
2 thìa gia vị ướp thịt nướng ( tiêu, ớt paprika, quế, hồi, xạ hương)
Dầu olive
Muối
Đường
2 củ khoai tây
1 củ cà rốt
Bánh mì chuột ăn kèm

Cách làm:
1. Thịt bò nhập mua về thường ở dạng đông lạnh. Nếu bạn có 1 con dao sắc, hãy thái ngay khi khối thịt bò còn cứng để có được miếng thịt dày đều,sắc nét. Nếu không, hãy để nó rã đông tự nhiên trong ngăn mát, chừng 30p – 1h thì miếng thịt mềm dần nhưng còn lạnh nhiều thì mang ra thái để thái được miếng thịt đẹp và đều nhé.
Với thịt thăn bò ngoại, tính chất thịt mềm nên bạn hãy cắt miếng thịt dày từ 1cm-0,5cm để thịt sao khi áp chảo vẫn giữ được nước ngọt bên trong. Nếu thích ăn mềm mà chín, bạn có thể dần nhẹ miếng thịt.
 photo m1_zpsd750167f.jpg
2. Ướp thịt bò với 1 muỗng dầu ăn, hành tím cắt khoanh, gia vị ướp thịt và chút muối. Để thịt 30p cho thấm và rã đông hoàn toàn.
3. Khoai tây, cà rốt gọt vỏ, ngâm nước muối 5-10p rồi vớt ra rổ, để ráo.
4. Bắc chảo lên bếp chiên khoai tây cà rốt cho chín. Lưu ý là cà rốt ngọt nên có xu hướng cháy và chính nhanh hơn khoai tây.
 photo m2_zpsef6c4648.jpg
5. Sau khi chiên xong, chắt bỏ toàn bộ dầu ăn khỏi chảo. Tận dụng chính chiếc chảo nóng để áp chảo miếng thịt bò.
6. Bạn chú ý, bò ngoại nhập khi chín thường có màu thâm hơn thịt bò việt, và nếu chín kĩ sẽ rất dai nên hãy chú ý canh miếng thịt bò vừa chín tới. Bạn áp chảo mỗi mặt trong khoảng 1p rồi lật mặt. Sau khi lật thấy miếng thịt tươm ra một chút nước hồng là thịt vừa chín tới. Bạn cũng có thể kiểm tra độ chín của miếng thịt bò bằng cách sau ( xem hình)
7. Thịt chín, mang ra phục vụ ngay cùng với khoai tây, cà rốt và bánh mì.

 photo 2_zps6331d4df.jpg
Món bánh mì chảo đẳng cấp tại gia đã hoàn thành. Chúc các bạn ngon miệng!

Bạn có biết:

Bò Kobe chỉ được gọi là bò Kobe khi con bò thuộc giống Tajima-gyu thuần chủng được nuôi tại chính tỉnh Kobe – Nhật Bản. Giống bò này được du nhập vào Úc và Mỹ để nuôi, dù với cùng tiêu chuẩn nhưng khi xuất đi thì sẽ không còn được gọi là Kobe nữa mà sẽ được gọi là Wagyu ( tên gọi chung cho các giống bò Nhật Bản). Giá Wagyu rẻ hơn Kobe thật rất nhiều. Và cam đoan với các bạn rằng, các bạn gần như không bao giờ có thể ăn được bò Kobe thật trên những địa phận không phải Nhật. Dù ở Mỹ, Úc – nơi mà người ta quảng cáo rầm rộ về thứ thịt bỏ tuyệt hảo tan ngay trong miệng thì cũng chỉ là “Faux-be”, một thứ thịt bò nhái. Đơn giản bởi việc nhập khẩu được thịt bò từ Kobe đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn bảo quản và cung ứng mà không phải nhà cung cấp nào cũng đáp ứng được.
Ở Việt Nam, giá Wagyu dao động từ 1,5 triệu đến 4 triệu/kg, thậm chí là hơn, tùy theo việc miếng thịt bạn mua đạt tiêu chuẩn nào trong bậc thang chất lượng đánh giá. Với tôi, mua được wagyu để làm món ăn cũng đã là một sự xa xỉ rồi. Còn loại cẩm thạch hảo hạng với vân mỡ trắng xen lẫn những thớ thịt hồng tươi, chắc còn phải mơ ước chán.

CÀ RI GÀ NẤU CHẬM

Cà ri gà là một món ăn ngon và đơn giản. Bạn có thể dử dụng nồi cơm điện hay nồi hầm để nấu chậm, tạo ra hương vị món ăn ngon ngọt đậm đà.

 photo Chickencurry3.jpg

Nguyên liệu

Gà 1/2 con
Cà rốt 1 củ
Khoai tây 2 củ
Bột nghệ 1 thìa cà phê
Bột cà ri 3 thìa cà phê
Nấm hương khô ( tùy ý ) 10 tai nấm
Dầu ăn, tiêu, muối
Cốt dừa 3 muỗng
Bột năng 1 muỗng

Cách làm:

1. Gà mua về rửa sạch. Chặt miếng vừa ăn., cỡ bao diêm.
Khoai tây, cà rốt gọt vỏ. Thái khối vuông cỡ 1/2 bao diêm.
Nếu muốn ăn nấm hương: ngâm rửa nấm thật sạch. Nếu dùng nấm khô, hãy ngâm nước cho nở.
2. Cho 1 muỗng dầu ăn vào nồi. Nhấn nút cook để nồi bắt đầu làm nóng.
Cho bột gia vị vào xào thơm rồi trút thịt gà vào.
Nếu nồi nhà bạn thuộc dạng lò xo nhạy, bạn có thể cho luôn cả thịt gà và gia vị vào xào săn.
Trút toàn bộ khoai tây, cà rốt, nước cốt dừa vào.
Thêm 3 cup nước.
Đóng nắp nồi và đun cho sôi.
Nếm lại xem gia vị mặn ngọt đã vừa chưa. Nếu bạn thấy hơi nhạt thì yên tâm, nước sẽ rút sau khi gà chín.

 

 photo Chickencurry2.jpg

3. Tiếp tục đun 30-40p cho gà chín nhừ.
Pha bột năng với nước lạnh rồi từ từ đổ vào nồi gà, hòa cho tan đều.
Bạn lại đóng kín nồi và cho nồi sôi lại thì chuyển sang chế độ warm up.
Lúc này món gà đã sẵn sàng cho bạn dọn lên bàn ăn rồi đấy.
 photo Chickencurry1.jpg

Bánh dẻo nhân thập cẩm thơm ngon

  photo 3_zps01b076f5.jpg

 

  Ngày xưa be bé, chỉ mê mẩn mấy chú cá chay mà chê ỏng eo mẹ cá to đùng. Nhớ cái Trung thu ngày bé, hai chị em trải chiếu ngồi ngay cổng bày cỗ Trung Thu, vừa cầm dao cắt cá chơi trò bán cá. Bán hết đầu đuôi cá con rồi rao mãi cá mẹ chả đứa nào trong 2 đứa “mua” bèn quay ra bán cho bố mẹ. Mẹ rút kinh nghiệm, từ năm sau chỉ mua toàn cá chay. Có được mấy lúc 2 đứa ngẩng đầu lên ngắm trăng không nhỉ? Hình như có, vì còn nhớ nỗi tò mò muốn biết chú Cuội ăn gì vào dịp Trung thu trên Cung Trăng xa xôi ấy? Có thấy 2 đứa lười ăn lén lút nhằn mỡ, nhằn lạp xưởng đi không? Giờ lớn rùi, biết là chả có chú Cuội nào, nhưng lại thèm cái hương vị xa xưa ấy: béo của mỡ, mặn của lạp xưởng, giòn của bí, bùi của sen, thơm của hạt và dẻo của vỏ bánh ngọt ngào. Năm nay không có đàn cá mẹ cá con, năm nay ăn giống như “người lớn” – bánh dẻo nhân thập cẩm. Tất nhiên là cái thập cẩm ở đây cố gắng chạy về gần với hương vị ngày xưa nhất, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố ít mỡ ít đường của nhà mình.
Cái nhân thập cẩm này hay lắm, các bạn thích thành phần nào thì cứ tăng thành phần ấy lên rùi bớt thành phần khác đi nhé.

 photo 1_zps1c7f5e0a.jpg

Nguyên liệu

500gr đường trắng
500ml nước lọc
3 tsp hương bưởi
300gr bọt nếp chín
50gr lạp xưởng
80gr mứt bí
100gr mứt sen
100gr vừng trắng rang
100gr hạt dưa
100gr mỡ đường
20gr lá chanh
50gr bột nếp chín
10ml rượu mai quế lộ
30ml nước đường
Nước cốt 1/4 trái chanh ( có thể bỏ qua)

Cách làm:

1 Hấp chín lạp xưởng. Thái hạt lựu mứt bí, lạp xưởng. Thái sợi nhỏ lá chanh.
 photo m3_zpsbd6a62a7.jpg

2 Trộn toàn bộ nguyên liệu phần nhân vớ nhau ( trừ rượu và nước đường) cho các hạt nhân được áo đểu bột nếp. Từ từ cho rượu, rồi nước đường vào trộn đều cho nhân kết dính nhau.
 photo m4_zps845a28bc.jpg

3 Chia nhân thành các phần 50gr. Nắm chặt thành các viên tròn
 photo m5_zpsbfc59431.jpg

4 Nấu đường với nước cho sôi. Khi nước đường sôi thì cho thêm nước cốt 1/4 trái chanh. ĐUn cho sôi lại rồi tắt bếp. Nước đường nguội hẳn thì cho nước hoa bưởi vào
 photo m1_zps926936d3.jpg

5 Từ từ đổ 200gr bột nếp vào nước đường, vừa đổ vừa khuấy đều tay.
Sau khi bột nặng tay thì chuyển khối bột ra bàn nhào nhẹ tay với 100gr bột áo còn lại.
Chia khối bột thành từng phần 100gr.
Dàn bột ra bọc kín lấy nhân rồi vê tròn lại. Áo 1 lớp bột mỏng bên ngoài rồi đem đóng khuôn.
 photo m2_zpsb4f08026.jpg

6 Dỡ bánh dẻo ra nhẹ nhàng. Phủi sạch bớt bột áo dư rồi đặt bánh vào hộp kín ít nhất 6-8h cho bánh ổn định hình dạng.
Bánh dẻo sau 1 ngày ngấm bột trở nên trong vào dẻo.
 photo 2_zpsa57849f5.jpg

Chúc các bạn thành công!