Dẻ sườn bò kho kim chi – Dueji galbi kimchi jjim

Món thịt bò kho kim chi đơn giản mà ngon cơm. Thịt bò kho bằng nước kim chi vừa nhanh mềm lại hoàn toàn không còn mùi hôi gây của bò, chỉ còn lại vị ngọt thơm của thịt đỏ giàu dinh dưỡng.
Những cơn mưa tháng 7 liên miên làm trời hè dịu mát hẳn lại, thậm chí còn se se lạnh. Hãy thử làm món bò kho kim chi đổi vị cho cả nhà bạn nhé.
 photo 1_zpsc15de056.jpg

Nguyên liệu:
500gr thịt dẻ sườn bò
300gr kim chi cải thảo
1 cups nước muối kim chi
3 muỗng dầu vừng
5 muỗng xì dầu
10gr Gừng

Cách làm:
1. Thịt bò mua về rửa sạch với nước muối ấm. Thấm khô nước rồi thái miếng bằng 2 đốt ngón tay.
2. Kim chi vớt cái cắt nhỏ. Gừng mài nhuyễn.
 photo 2_zpsce0807cf.jpg
3. Cho dầu vừng vào nồi. Dầu nóng cho thịt bò vào đảo cho săn. Cho nước kim chi, gừng và kim chi vào, đảo đều. Om cho thịt bò chín mềm
Nếu dùng nồi áp suất, quá trình này chỉ mất 10-15p.
Nếu om bằng nồi đế dày, bạn hãy để lửa riu riu trong tầm 30p để bò chín mềm. Chú ý canh nước không để nước cạn quá .
4. Thịt bò chín, bỏ vung ra kiểm tra độ mặn và nêm nếm nếu cần.
Đun cho nước cạn còn ½ là được.
Múc thịt bò ra, dùng nóng với cơm trắng.
 photo 3_zpsf94a0202.jpg

Lưu ý: Kim chi mua sẵn đã có vị mặn nhất định. Khi nấu thịt bò với kim chi và nước kim chi, gần như không cần nêm thêm muối.
Để mở vung nồi áp suất an toàn, khi nhấc nồi xuống hãy đặt nồi vào bồn nước và xả nước từ từ lên nắp nồi. Sau khoảng 2-3p hãy dùng nay nghiêng nhẹ nút áp suất. Khi thấy không còn hơi xì ra là bên trong áp suất đã cân bằng với bên ngoài. Hãy từ từ mở nồi ra. Làm như vậy, bạn sẽ tránh được tai nạn không đáng có với nồi áp suất.
 photo 4_zpsd0fb788a.jpg

Midnight Gyoza – há cảo lúc nửa đêm

 photo 3_zpscf4c5bbd.jpg

 

Đây chính là cái tuyệt phẩm hậu Yaki Gyoza hôm trước đây. 😀 Ăn không hết mà làm thì nhiều nên tớ còn dư một hộp như thế này đông lạnh. Tớ xếp vào hộp không dày sát nhau cho lắm nên có thể tách ra như này để cho vào chảo.

Nếu tình trạng đông đá quá cao gây khó khăn cho việc tách thì hãy cho cả hộp vào lò vi sóng để bắn rã đông tầm 30s -1p, đủ để cho bạn có thể tách bánh ra mà bánh vẫn cứng cáp và đông lạnh nhé.

Sau đó cho vào chảo và rán như bình thường thôi. 

Tất nhiên, nước nhiều hơn và thời gian lâu hơn so với há cảo tươi nhé.

 photo MidnightYakiGyoza_zps8aa7442a.jpg

 

Măm măm ngay kẻo nguội nào!

 photo 2_zps1d4e58b6.jpg

YAKI GYOZA – Há cảo nhân thịt gà kiểu Nhật

 photo 1_zps1766e183.jpg

Hà Nội tháng 8 chợt nắng chợt mưa. Những cơn mưa rào giúp thành phố dịu lại, hết hẳn những oi bức ồn ào. Những buổi cuối chiều mưa ướt, bạn bè chẳng thể tụ tấp bia bọt vỉa hè, trà chanh chém gió. Vậy tại sao chứng mình không cùng kéo nhau về nhà, vào bếp cùng làm vài món ăn? Cùng làm, cùng ăn, cùng tán phét, vui đáo để ấy!
Món há cảo kiểu Nhật làm rất đơn giản, ăn mát và rất lợi cho sức khỏe bởi thành phần ít béo, nguyên liệu lại rất dễ kiếm. Bạn chạy ù vào bất kì siêu thị nào cũng sẽ thấy đầy đủ thịt gà, cải thảo, hẹ lá với gừng tươi. Nếu kì công bạn có thể nhào bột vỏ, còn không thì vỏ bánh cũng rất sẵn nhé.

Nguyên liệu
60 lá vỏ há cảo
500gr thịt ức gà
300gr lá cải thảo
1 bó hẹ
1 củ gừng nhỏ
1 muỗng 1 nếp
1 muỗng xì dầu Nhật
1 muỗng dầu vừng
½ củ cà rốt ( tùy ý )
Bột năng

Cách làm
1. Cải thảo cắt nhỏ. Ngâm nước muối 15p rồi vắt thật kĩ cho ráo nước.
Gừng thái sợi chỉ.
Hẹ thái nhỏ
Thịt gà với cà rốt xay nhuyễn.
 photo Make1_zpsbbf23ef6.jpg
2. Trộn toàn bộ nguyên liệu phần nhân ( ở 1) với dầu vừng, xì dầu và bột nếp.
Trộn đều cho hỗn hợp nhân nhuyễn.
Nếu nhân nhiều nước thì có thể cho thêm 1-2 muỗng bột nếp nhưng không nên cho nhiều.

3. Trải lá vỏ há cảo ra, cho 1 thìa nhan vào và gấp đôi lại.
Bạn có thể gấp theo cách sủi cảo đã được hướng dẫn hôm trước hjoawcj theo 1 trong 2 cách cải tiến hôm nay:

Cách 1: Gấp đôi theo chiều ngang lá há cảo. Xếp mí lá vỏ như đối với hình tròn để tạo hình nếp chéo. ( Như trong ảnh )
 photo Make2_zpsb7c43e57.jpg
Cách 2: Gấp đôi theo chiều chéo miếng vỏ. Miết kĩ cho phần nhân được bao kín trong vỏ. Xếp chéo 2 bên lại với nhau. ( Như trong ảnh)
 photo Make3_zps9d228a86.jpg

4. Xếp há cảo vào trong chảo. Cho 1 chút dầu ăn vào và bắc chảo lên bếp.
Sau vài phút, vỏ bánh bắt đầu hơi xém thì đổ 1 bát nước pha 1 thìa cà phê bột năng vào. Đậy vung và om cho nước vừa cạn thì mở vung ra.

 photo Make4_zps125d7726.jpg

5. Đợi thêm 1 phút cho đế bánh giòn thì gắp ra. Dùng nóng với xì dầu Nhật.

Bí quyết: Cọng cải thảo rất nhiều nước nên khi đem làm nhân bánh sẽ ra nước làm vỏ bánh khó giòn. Phần lá cải thảo nếu bạn không đủ khỏe để vắt cho khô nước có thể nhúng qua nước sôi rồi vắt sẽ ráo hơn.

Bạn có thể làm sẵn bánh rồi cất vào hộp kín, bảo quản trong ngăn đá được 1 tháng. Khi ăn chỉ cần mang ra ngoài 10p để có thể tách bánh ra riêng rẽ. Xếp bánh vào chảo và chiên – om như bình thường. Bạn dễ dàng có món há cảo gyoza bất kì lúc nào bạn muốn ăn rồi đấy.
 photo 11_zps4afe523b.jpg

CANH HÁN THÀNH – Galbi Soondubu Jjiggae-

 photo 1_zps08c9bca3.jpg

Món này cay, lại nhiều dinh dưỡng. Mùa đông ăn thì hợp nhất nhưng giữa hè mà thèm thì cứ chọn ngày mưa rào tháng 8 này mà húp xì xụp thì không còn gì tuyệt bằng.
Chỉ cần 1 bát canh này thôi là trôi vèo vài bát cơm chẳng lo thiếu chất. Canh quá giàu dinh dưỡng luôn, tha hồ ấm bụng no lâu. Các xã có trót nhậu say tối trước thì sáng hôm sau chỉ cần 1 bát này là tỉnh cả người các mẹ ạ.

Nguyên liệu:
300gr dẻ sườn bò
200gr kim chi cải thảo
1 hộp đậu non
1 gói nấm kim châm
1 cây tỏi tây
1 nắm rau mầm hướng dương
( nếu không có mầm hướng dương có thể dùng mầm đậu hoặc giá đỗ )

 photo 3_zpsc9518b2c.jpg

Cách làm:
1. Rau mầm ngâm nước muối loãng 15p rồi rửa sạch dưới vòi nước chảy.
Nấm cắt chân, rửa sạch dưới vòi nước chảy.
Tỏi tây rửa sạch, bỏ bớt phần lá già. Phần lá cắt khúc, gốc cắt chéo.
Kim chi vắt nước để riêng. Phần cái thái nhỏ.
Đậu non cắt khối vuông.
 photo m1_zps3c9f2b2c.jpg

2. Dẻ sườn bò mua về rửa nước muối cho sạch. Thái miếng vừa ăn.
Bắc chảo dầu nóng, cho dẻ sườn bò vào xào cho săn.
Cho nước kim chi vào đảo đều. Mang dẻ sườn bò đi om cho nhừ.
 photo m2_zps102ca9a2.jpg

3. Trong một nồi khác: Xếp các nguyên liệu vào nồi.

Riêng phần củ tỏi tây và rau mầm thì để lại
 photo m4_zps3c87f240.jpg

4. Thịt bò nhừ. Xếp nốt phần thịt bò vào nồi.

Chế nước cho ngập hết nguyên liệu.

Đun cho canh sôi thì hạ lửa. Om 3 phút cho nấm và rau chín thì cho rau mầm, củ tỏi tây vào.
Nêm thêm muối nếu canh nhạt.

Nước sôi lại thì tắt bếp. Múc canh ra bát dùng nóng.

 photo 2_zpsb888bc2c.jpg

Bí quyết của tôi:
Để tiết kiệm ga và thời gian, tôi dùng nồi áp suất để om thịt bò. Chỉ cần 5 -10 phút là thịt bò nhừ. Sau khi bắc xuống, ta mang nồi đặt dưới vòi nước lạnh và xả nước vào nắp nồi. Áp suất và nhiệt độ trong nồi sẽ nhanh chóng hạ xuống và bạn có thể mở nắp nồi an toàn.
Nếu không muốn canh quá cay để các bé cũng ăn được, hãy vắt hết nước kim chi và chỉ dùng 1-2 muỗng nước để om thịt bò. Thịt bò om với nước chua từ kim chi sẽ nhanh mềm và lại thấm mùi gia vị, hoàn toàn không còn mùi hôi như thông thường nữa nhé.
 photo m3_zpsff336f15.jpg

ĂN NHANH VỚI BÁNH MÌ SANDWICH RAU MẦM

Rau mầm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao gấp ba lần trong rau bình thường. Hiện nay, ngoài việc mua rau mầm trồng sẵn bán ngoài siêu thị, các bà nội trợ cũng có thể dễ dàng trồng rau mầm tại nhà.
Sau khi chán chê với rau mầm xào, rau mầm nấu canh, hãy đổi món cho gia đình bạn với món bánh mì kẹp. Bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng, bữa trưa nhanh gọn hay thậm chí mang theo đi picnic cũng quá tiện lợi và ngon miệng khi bạn chọn món này.
 photo 2_zpse8dd7874.jpg
Nguyên liệu: Cho 2 phần ăn
6 lát bánh mì gối
100gr thịt bò
2 cây xúc xích
50gr rau mầm
40gr cà rốt
Xốt mayonnaise
Mù tạt vàng ( tùy ý )
Tương ớt ( tùy ý )

Cách làm:
1. Rau mầm củ cải đỏ hoặc cải ngọt ngâm rửa nước muối loãng cho sạch. Vẩy ráo.
Củ cà rốt gọt bỏ vỏ, nạo sợi
 photo 21_zps0b3e010c.jpg
2. Thịt bò xào chín với chút dầu ăn, muối và tiêu. Xúc xích áp chảo cho chín. Nếu bạn dùng xúc xích ăn liền có thể bỏ qua bước này, cắt lát xúc xích luôn.
3. Bánh mì áp chảo cho xém hai mặt.
 photo 22_zps8dd6aa82.jpg
4. Lần lượt phết mayonnaise vào một mặt của lát bánh mì rồi kẹp bánh theo thứ tự sau:
Bánh mì – rau mầm – thịt bò – mù tạt vàng – bánh mì – xúc xích – cà rốt – rau mầm – bành mì ( Hoặc tùy ý bạn)
 photo 23_zps8ff2f717.jpg
5. Giữ chắc kẹp bánh mì và cắt đôi.
Giờ bạn có thể thưởng thức thành quả của mình ngay hoặc gói lại mang theo đi picnic được rồi đấy.
 photo 1_zps00c0d31b.jpg
Bí quyết của tôi:
Nếu bạn có máy nướng bánh mì thì không còn gì hoàn hảo hơn. Còn nếu như không có điều kiện sắm vỉ nướng bánh mì như nhà hàng, một chiếc chảo không dính cũng có thể cho ra những lát bánh mì áp chảo tuyệt ngon đậm hương vị gia đình.
Khi áp chảo bánh mì, tôi thường chọn một chiếc chảo đáy phẳng và để lửa to lúc ban đầu, khi cho bánh vào chảo thì hạ lửa vừa, sau khi lật mặt bánh thì tắt lửa. Làm như vậy để cho miếng bánh được xém cạnh, giòn mặt mà bên trong vẫn xốp, mềm, ẩm. Giữ được độ tươi ngon của bánh mì.
 photo 3_zpsea7ae7c9.jpg

TRỨNG MUỐI TỐC HÀNH

 photo IMG_6575_zpsd25de44d.jpg

Từ giờ tới Trung thu còn non 1 tháng thôi, chẳng ngắn nhưng cũng chẳng dài. Bạn nào mà muốn tự tay muối trứng hẳn sẽ lo trứng không chín kịp. Thế thì muối theo cách của tớ đây, yên tâm là trứng sau 20 ngày là chín nhé.

Công thức trứng muối bình thường thì năm ngoái hay năm kia tớ đã chia sẻ rồi. Năm nay không ghi lại công thức cũ nữa mà chỉ ghi công thức tốc hành thôi.

Nguyên liệu

100 quả trứng
3,5 lít nước
2 kg muối
5 cánh hoa hồi
1 thảo quả
2 miếng quế nhỏ
1 mẩu gừng thái lát
3 tbs rượu trắng
3 tbs đường trắng
Tớ thì không thích thảo quả nên bỏ qua thứ quả này. Ra chợ tớ mua quế, hồi lẫn lộn tổng hết 5 ngàn. Về nấu lên thơm phức.

Cách làm

1. Chuẩn bị xô đựng trứng có nắp và 1 cái rổ nông/nong hoặc vỉ thưa để cài trứng.

2. Hồi, quế, thảo quả, gừng rửa sạch, thả vào nước. Cho muối vào nước, đun sôi. Nước sôi rồi thì hạ lửa vừa, đun thêm khoảng 5 phút nữa thì thêm đường. Để nguội. Sau khi nước nguội thì cho rượu, khuấy đều.

Lượng muối với công thức 30 ngày thì sẽ tan hết nhưng với trứng muối mặn thì lượng muối phải đủ để bão hòa, tức là sau khi đun sẽ còn lại 1 lớp muối không tan hết.

Để nước muối nguội hẳn. Nước muối đậm đặc nên sẽ mất khoảng 4-6h nước mới nguội hắn.

3. Trứng thả vào nước tầm 10-20 quả một lượt. Dùng giẻ lưới rửa trứng dưới vòi nước chảy cho trứng sạch. Xếp trứng vào rổ để trứng khô ráo.

 photo 1_zps1576a57f.jpg

Nhiều tài liệu bảo trứng mà ướt thì sẽ bị tanh và hôi. Mình ẩu tả nên để trứng ướt mấy lần. Khi trứng chín ăn chả thấy hôi tanh gì sất. Tuy nhiên nếu trứng ướt thì mấy ngày sau nước muối trứng nổi bọt và đục màu nom rất sợ. Đấy là do trứng chưa khô hẳn, dính rất ít nước lã, với cả nước muối đặc, chứ mình tin là nếu trứng ướt nhiều hoặc nước muối đường loãng, hỗn hợp nước muối trứng dễ bị hư do vi khuẩn sinh sôi lắm. Như kiểu muối dưa cà bị nổi váng ấy. Vì vậy, các bạn nhớ hong trứng ra cho thật khô ráo rồi hãy đem muối nhé.

4. Xếp trứng vào xô/lọ. Dùng vỉ/rổ cài lên mặt trứng. Đổ nước muối có kèm cả xác quế hồi gừng vào.

 photo 2_zps9914f905.jpg

Nếu trứng cao tới ngang mặt xô thì dùng chính nắp xô có đè vật nặng để cài cho trứng không bị nổi lên. Còn không thì dùng bát tô thủy tinh đè nhẹ lên cho trứng chìm hẳn trong nước muối.

Trứng muối mặn kiểu này thì sau 15 ngày có thể kiểm tra. 20 ngày là ăn ngon lành.

Vì nước muối mặn nên càng để lâu trứng càng bị mặn hơn. Sau khi đủ 20 ngày thì các bạn nên vớt trứng ra. Tối đa cũng chỉ để 25 ngày là trứng mặn lắm rồi. Để lâu hơn trứng ăn sẽ như muối, không còn thơm ngon mà trở nên mặn đắng thành ra hơi chát.

Trứng vớt ra cứ lau khô, để tủ lạnh được 10-12 ngày không hư. Còn có cách khác là đập ra, lấy lòng đỏ đem hấp chín hoặc nướng chín cất ngăn đá dùng rả rích dần. Lòng đỏ trứng làm theo cách này để tối đa 3 tháng thôi nhé. Để lâu hơn mất thơm.

 photo IMG_5850_zps0638e559.jpg

Khoe tạm mọi người cái ảnh trứng muối năm ngoái đã. Trứng năm nay còn 1 tuần nữa mới dỡ cơ. Trứng làm bánh trung thu là chính. Ngày thường rả rích bao tôm, bao đậu, rang cơm với ăn kèm cháo, chả có gì cầu kì mà chụp ảnh, đồng nghĩa là chả có ảnh trứng muối ngày thường luôn.

 photo IMG_5990_zpsf4b17000.jpg
 

Làm mới bánh mì cũ với mứt và sữa đậu

 photo blueberryjam_zps65a816ce.jpg

Hẳn nhiều người đã biết đến món Breadpudding, nhưng bao nhiêu trong số các bạn biết đến nguồn gốc lâu đời của món bánh này? Bread Pudding là một món tráng miệng đã có từ thế kỷ 13 ở nước Anh. Bread Pudding lúc đầu được gọi là “bánh pudding của người nghèo” vì nó được làm từ bánh mì cũ làm ẩm trong nước. Sau đó thêm vào một chút đường, gia vị và các thành phần khác. Theo thời gian, Bread Pudding được chế biến công phu hơn và được nâng lên thành một món bánh cao cấp. Người ta thêm vào đấy nào trái cây, sữa, trứng, kem, phô mai… và mỗi ngày, thêm hàng chục, hàng trăm công thức mới ra đời.
Và đây là một trong những công thức đó. Công thức này sử dụng sữa đậu nành và phô mai ricotta, thích hợp với những người ăn kiêng chất béo mà cần bổ sung can xi, protein.

 photo 5_zpsa2a0d9be.jpg

Nguyên liệu:
200gr bánh mì
2 trứng
2 cup sữa đậu nành có đường
40gr bơ nhạt để lạnh
60gr ricotta cheese
1 ½ tbs mật chanh ( mật ong ngâm chanh )
3 tbs mứt xoài
4 tbs mứt việt quất

 photo 1_zps81380deb.jpg

Cách làm:
1. Cắt bánh mì thành các lát dày khoảng 0,7-1cm. Chia bánh mì thành 2 phần.
Thoa bơ vào khắp thành khuôn và sắp bánh mì vào khuôn.
2. Lấy ½ lượng bánh mì. Lần lượt xếp bánh cho vào 1 khuôn. Trét mứt việt quất giữa các lớp bánh.
Lượng bánh mì còn lại xếp vào khuôn thứ 2. Quét mật chanh vào giữa các lớp bánh. Trên cùng quét 1 lớp mật chanh nữa và xếp mấy lát chanh lên trên.

 photo 2_zpse3300ecc.jpg

3. Đánh tan trứng, phô mai ricotta rồi hòa thêm sữa vào hỗn hợp. Đổ hỗn hợp vào 2 khuôn bánh. Phần bơ còn lại thành lát mỏng và xếp lên phía trên cùng của khuôn bánh. Lớp bơ này sẽ chảy ra trong quá trình nướng thấm vào bánh làm tang độ béo cho bánh và tạo độ giòn cho lớp mặt bánh.
4. Đặt lò nướng 170 độ C trong vòng 40p. Cho bánh vào nướng đến khi mặt bánh vàng thơm hoặc xăm thử que vào bánh rút lên thấy que ráo là bánh chín.

 photo 3_zps5e06ffe9.jpg

Bánh có thể ăn nóng ngay lập tức. Bạn nên thêm 1 muống kem lạnh hoặc kem chua lên để ăn cùng thì không còn gì tuyệt hơn cho một sáng trời se lạnh.
Bánh cũng ngon không kém khi ăn lạnh với chút mứt kèm theo. Thêm một tách trà thì chắc hẳn bạn sẽ thấy ở Anh cũng chỉ tuyệt đến vậy.

 photo 4_zps090e3ad5.jpg

Bí quyết của tôi:

Khi đổ hỗn hợp lỏng vào 2 khuôn bánh, làm sao để biết thế nào là đủ?

Hỗn hợp lỏng cách mặt bánh khoảng 1 cm là lượng ẩm đạt tỉ lệ chuẩn. Để bánh nghỉ 15-20p cho bánh hút ẩm đều vào toàn bộ các lát bánh mì. Bạn cũng có thể dằm nhẹ cho bánh mì chìm xuống để dễ thấm nước, còn nếu thích ăn xốp thì hãy để chúng tự hút no sữa trước khi đem nướng.

Nếu không dùng sữa đậu nành thì sao?
Thì bạn hoàn toàn có thể dùng sữa tươi như bình thường. Sữa đậu nành cho mùi thơm khá lạ và thanh. Bánh mặc dù được thêm phô mai tươi ricotta nhưng hoàn toàn không ngấy chút nào bởi vị thanh của sữa đậu và vị chua nhẹ được tạo ra bởi chanh và xoài/việt quất.

Phô mai tươi Ricotta là gì?
Ricotta là 1 từ tiếng Ý có nghĩa là ” recooked ” ( nấu lại ), là một sản phẩm tạo ra sau quá trình tạo phô mai ( cheese) Ricotta mềm, có màu trắng, vị hơi ngọt nhưng ít béo. Loại phô mai này được sử dụng trong nhiều chế độ ăn kiêng nhằm bổ sung protein và canxi cần thiết mà sợ béo. Ricotta có thể được dùng để làm cả món mặn và đặc biệt được ưa thích khi làm các món tráng miệng.

 photo Mangojam_zps361de97b.jpg

Cầu kì bánh lọc cung đình Huế

  Nói tới món ăn cung đình Huế là nói tới sự cầu kì, tỉ mẩn. Cầu kì từ khâu tuyển chọn nguyên liệu tới khâu chế biến và thưởng thức. Cũng là những chiếc bánh bột lọc gói lá quen thuộc ấy thôi nhưng được gói to không quá ngón tay cái, lại phải thành hình thỏi vàng. Khi ăn bóc chiếc bánh ra trong veo chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái, nhìn rõ lớp nhân đỏ au bên trong. Nhẹ nhàng chấm vào nước mắm ngọt thoáng cay. Từ từ, bạn cảm nhận cái dai giòn của vỏ bánh, cái đậm đà của miếng thịt, cái chắc rất ngọt của miếng tôm tươi.
  Tôm làm nhân bánh phải chọn loại tôm đất to chắc, tươi rói. Thịt ba chỉ thì lựa loại nạc mỡ cân bằng. Sau đó mang hai thứ ấy thái nhỏ, rim kĩ lên với dầu điều, mắm ngon, tiêu đen cho săn chắc lại, rồi để nguội hẳn mới đem nhân ấy gói bánh. Bột bánh cũng lắm kì công khi phải khuấy sệt nửa sống nửa chín. Nghe thì đơn giản vậy thôi nhưng để bắc một nồi bột lỏng lên bếp khuấy cho tới khi sệt lại mà không cháy, không vón thì chẳng phải chuyện đùa. Nói thật là tôi sợ nhất khâu này. Khuấy 1 lít bột thì cứ gọi là mỏi nhừ tay. Bây giờ, khi công nghệ trang bị tận bếp thì tôi mới thấy bớt đi nỗi sợ đúng quấy bột làm bánh lọc đấy.

 photo IMG_52642_zpsd4b1c7a0.jpg

  Nói vậy, không ít bạn sẽ nản mà bỏ qua món bánh này. Đừng ngại, cứ thử xem bạn ạ. Tôi tin các mẹo hữu ích trong bài này sẽ khiến bạn không còn sợ món bánh này nữa. Bánh gói một lần có thể để ngăn mát trong 3 ngày hoặc ngăn đông đá cả tháng. Kể cả nước mắm nấu kĩ bạn cũng có thể buộc túi nilon để dành cả tháng mà không sợ bị hư. Vậy là nhà bạn đã có đồ ăn chơi kiểu Cung đình xưa ngay trên bàn ăn nhà mình bất kì lúc nào bạn muốn rồi đấy.

Nguyên liệu
500 gr bột năng
1 muỗng đường trắng
1 thìa cà phê muối tinh
1 muỗng dầu ăn
450 gr nước lọc
400 gr tôm nõn
300 gr thịt ba chỉ
5 muỗng dầu điều
2 muỗng nước mắm
1 thìa cà phê tiêu đen
1 muỗng đường
500 gr lá chuối bánh tẻ/lá dong

Cách làm

1. Sơ chế nguyên liệu:
Tôm: Nếu bạn chọn tôm to, thái tôm hạt lựu. Nếu tôm nhỏ thì có thể bỏ qua bước này.
Thịt: Thịt cạo sạch bì, rửa sạch, thấm khô rồi thái miếng nhỏ dài tầm 1 đốt ngón tay, to cỡ đầu đũa.
Lá chuối: Rửa sạch lá rồi đem luộc trong nước sôi 5p. Sau đó vớt ra ngâm ngay vào nước lạnh cho lá mềm, xanh.
Lau khô lá rồi xé thành các miếng rộng 10-12xm. Lau lá thật khô.
Một phần lá xé nhỏ để làm dây buộc.

 photo 12_zps2dd2b034.jpg

2. Rim nhân:
Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu điều rồi bắt đầu cho cả tôm và thịt vào xào săn.
Thêm nước mắm, tiêu ( thêm muối nếu cần) rim cho tôm thịt săn chắc, ngấm màu.
Thêm đường vào và hạ lửa liu riu rim cho tôm thịt gần cạn nước thì tắt bếp.
Để nhân nguội hẳn trước khi gói.
Nhân đạt yêu cầu có màu vàng đỏ của tôm và màu điều, tôm ăn chắc và thịt chín mềm. Nhân mặn ngọt vừa phải,ngấm gia vị, độ dày to tương đương với chiếc bánh.

3. Làm vỏ bánh
Cách 1- cách truyền thống:
Hòa lẫn bột năng, nước, muối, đường và dầu ăn vào 1 chiếc nồi đế dày.
Để bếp lửa ở mức thấp nhất rồi đặt nồi bột lên vừa đun vừa khuấy liên tục cho bột chín mà không sát đáy.
Khuấy tới khi bột đặc dẻo lại mà vẫn giữ nguyên màu trắng thì ngừng lại.
Tắt bếp nhưng vẫn tiếp tục khuấy cho đến khi bột bánh nguội bớt, đáy nồi bớt nóng.

 photo 1_zps76a45069.jpg

Cách 2 – cách cải tiến:
Đổ bột và toàn bộ nguyên liệu ( trừ nước) vào 1 tô trộn lớn. Đặt tô bột khô bên cạnh bếp và bắc nước lên bếp.
Khi nước sôi già bắt đầu cho nước từ từ từng chút nước vào bột, khuấy đều tay cho tới khi nước thấm ướt hết bột. Bột quện thành 1 khối hơi dẻo. Lúc này, vẫn tiếp tục đun nước trên bếp.
Nước sôi lớn, đổ toàn bộ vào khối bột, cùng lúc vẫn khuấy đều tay liên tục để bột chín mà không bị vón ( làm như khuấy bột sẵn dây với nước sôi) Bột và nước quện hết vào nhau, vẫn giữ màu trắng đục mà không bị vón. kéo lên cao thấy kéo sợi dẻo là bột đạt yêu cầu.
Bột bánh đạt yêu cầu

4. Gói bánh:
Trải lá chuối ra mặt phẳng, mặt gân lá úp xuống dưới, mặt nhẵn sẽ ở phía trên để tiếp xúc trực tiếp với bánh.
Múc 1 muỗng bột vào chính giữa lá, trải bột thành hình tròn đường kính khoảng 2 đốt ngón tay.
Múc nhân vào chính giữa bánh, hơi ấn xuống để khi bóc bánh ra, nhân được sát mặt bột giúp nổi lên phần nhân đỏ au ngon lành.
 photo 3_zpsa8baeea2.jpg photo 2_zps0c3cbded.jpg

Gấp 2 mép lá chuối lại, rồi tiếp tục gấp mí, gói cho lá bao quanh bột bánh thành 1 khối trụ. Lật cho mép lá quay xuống phía dưới.
Nhẹ nhàng dùng 2 tay gấp chính giữa mặt trên của bánh, phía 2 đầu lá rồi xếp sang 2 bên ngược chiều nhau để tạo hình cho chiếc bánh gù lên.
Gấp 2 đầu mép lá xuống dưới. Bánh đã được tạo hình thành hình thỏi ( vàng)
Dùng dây lá chuối buộc chặt để cố định hình dạng bánh.
Tiếp tục làm cho tới khi hết bột và bánh

 photo 24_zpsda25399c.jpg

5. Hấp bánh:
Bắc nước sôi trên lửa vừa.
Khi nước sôi lớn, đặt bánh lên xửng hấp trong vòng 25 phút là bánh chín trong.
Khi ăn chấm với nước chấm ngọt cay bao gồm mắm:đường:nước theo tỉ lệ 1:1:7. Bạn đừng quên thêm vài lát ớt cay đỏ au để thêm hương vị cho món bánh nhé.
Còn nếu muốn trữ bánh tủ lạnh, chỉ cần hấp 15-20p rồi cất đi. Hôm sau bạn hấp lại cũng 20p thì bánh sẽ trong lại nhé.

 photo banhlochapchin_zpsd37fc4b6.jpg

Bí quyết của tôi:
Lá chuối để gói bánh phải chọn lá chuối tây, bánh tẻ, không già quá cũng không non quá. Khi luộc phải đợi nước sôi hẳn mới thả lá vào, luộc 3-5p thì vớt ran gay thả vào chậu nước lạnh và xả liên tục để lá vẫn xanh mà không còn nhữa. Khi đó, bánh mới trong veo được.
Bạn cũng có thể thay thế bằng lá dong ( loại để gói bánh trưng) Lá dong rất xanh, mềm. Bạn chỉ cần trần nước sôi là lá mềm mà yên tâm khi gói không sợ bánh bị đen vì nhựa lá.

Với phần bột bánh, nếu bạn không dùng máy stand mix thì hoàn toàn có thể dùng handmix hoặc dùng phới để khuấy. Chú ý một chút là bột khá nặng lúc ban đầu nên bạn hãy chọn một chiếc phới chắc chắn nhé.

Ghé về Tây Nam Bộ ăn vịt nấu chao

Sau vụ lúa, trên những cánh đồng Tây Nam Bộ mênh mông bỗng nhiên phủ trắng vịt. Hàng ngàn con vịt bắt đầu vào mùa chạy đồng. Khi ấy, trong bữa cơm thường nhật của người nông dân miền Tây thường có sẵn những quả trứng vịt luộc hồng đàodầm nước mắm chanh ớt chua cay chấm với năng hoặc rau lang luộc ăn với cơm lúa mùa nóng hổi. Sang hơn thì là nồi lẩu vịt nấu chao ăn kèm các loại rau đương mùa và cơm hoặc bún.

 photo 1_zps807f7296.jpg

Nguyên liệu
Vịt xiêm 1 con ( khoảng 1,5 kí sau khi thịt )
Khoai môn cao 500gr
Chao 1 hũ
Rau muống ăn kèm – khoảng 2 mớ
Dừa tươi 1 quả
Bún tươi ăn kèm – khoảng 500gr
Ớt, chanh, gừng, hành tím, tỏi
Tiêu, muối

Cách làm:
1. Làm cho sạch vịt, bạn nhớ lấy 2 cục hôi ngay ở phao câu vịt nếu bỏ sót điều này thì sẽ rất hôi và không ăn được.

Băm gừng nhuyễn + 1 ít rượu trắng trộn đều chà sát vào toàn bộ da vịt để khử mùi đặc trưng của vịt.

Chặt vịt thành miếng vừa ăn. Ta cho vào 3 muỗng cafe nước mắm, 10 miếng chao nhỏ, 1 muỗng cafe đường, 1/2 muỗng cafe muối, 1 muỗng cafe bột ngọt, 1 nhánh gừng nhỏ băm, 1 ít tỏi băm. Bạn đeo bao tay, bóp thịt trộn đều bằng tay, để cho thịt vịt thấm.

 photo 2_zps4abbb20d.jpg

2. Khoai chiên sơ.
Bắc chảo dầu, cho ít tỏi và hành tím băm vào phi thơm, đổ vịt vào xào săn để vịt thấm gia vị. Sau khi thịt vịt săn, tiếp tục châm nước dừa, để lửa nhỏ và ninh vịt mềm.
Sau khi ninh khoảng 15p thì cho 1/2 khoai môn chiên vào. Om cho khoai nhừ, bở.

 photo 3_zps57ed3607.jpg

3. Khi ăn chuyển vịt ra bếp lẩu. Rau ăn kèm là rau muống, rau cả, cọng súng đều hợp. Ăn kèm bún tươi. Trong quá trình ăn từ từ thêm chỗ khoai môn còn lại. Bạn có thể thêm tía tô, váng đậu chiên để nhúng kèm.

Chấm với xốt chao (Cho 4 miếng chao vào chén, sau đó cắt nửa trái chanh vắt nước vào, bỏ 2 muỗng cafe đường vào đánh tan cho đều, thêm tỏi và ớt bằm vào)

 photo 4_zps4841b3b0.jpg

Bí quyết của tôi:
Nếu thích ăn đậm vị chao, khi bắc vịt lên nồi lẩu, bạn hãy dằm thêm 1-2 viên chao vào để thêm dậy mùi chao trong món ăn.
Chú ý rằng chao khá mặn nên nếu dùng chao nhiều thì bạn phải bớt muối đi. Còn nước ngâm chao là nước muối, khi dùng hết chao thì bạn bỏ đi chứ không nên tận dụng.
Chọn chao đỏ hay chao trắng đều ngon nhưng phải chọn chao cũ, chao nổi lên trên thì mới có độ béo hơn.

RAU CỦ XÀO CHAY

 photo 1_zps7f64b161.jpg

Rằm tháng bảy cận kề rôi. Cùng thử vài món chay đơn giản để đổi bữa nhé các bạn.
Nghe qua chỉ có rau và rau thì chắc không ít đấng mày râu lắc đầu ngao ngán. Tuy nhiên, nhìn đĩa rau xào nhiều màu sắc, nếm thử vị ngọt tự nhiên của rau củ, cộng thêm những lợi ích không thể chối cãi của món rau thì chắc chắn các quý ông sẽ chẳng thể chối từ. Với trẻ nhỏ, sắc màu thôi đã đủ hấp dẫn rồi. Các mẹ cứ yên tâm là con trẻ sẽ được cung cấp cực nhiều vitamin và chất xơ qua món ăn này nhé.

 photo 11_zpsc30021c6.jpg

Nguyên liệu:
1 – 1,5 bìa đậu trắng
1 củ cà rốt
1 củ cà rốt
1 cây poa rô ( tỏi tây )
100gr ngô non ( đã bỏ vỏ)
150gr đậu cove
3 muỗng dầu vừng

Cách làm:
 photo 2_zps29ed1c2f.jpg
1. Tráng một lớp dầu mỏng vào chảo. Rán cho đậu vàng 4 mặt.
Đợi đậu nguội thì cắt miếng rồi rắc chút muối và xì dầu ướp trước cho đậu thấm.
2. Đậu ve nhặt sạch cắt chéo. Ngô non bổ đôi. Cà rốt cắt que.
Tỏi tây cắt khúc.
3. Cho 2 muỗng dầu vừng vào chảo. Cà rốt và đậu ve khó chín hơn nên ta xào qua trước với dầu vừng. Sau khoảng 30s thì cho 3-4 muỗng nước vào. Đậy vung om cho chín. Trút đậu ve và cà rốt ra.
 photo 3_zpse571e8ee.jpg
4. Tráng 1 muỗng dầu vừng còn lại vào chảo. Cho bắp non vào xào. Sau khoảng 30s thì cho ngược đậu ve, cà rốt vào. Nêm gia vị cho vừa ăn.
5. Xào rau trong khoảng 1 phút, thấy bắp mềm ra là bắp đã chín. Trút đậu phụ, tỏi tây vào đảo đều.
6. Bắc rau ra dùng nóng với cơm trắng, có thể chấm thêm xì dầu tùy ý. photo 4_zpsf6c7c02b.jpg

Tôi thích ăn vị mượt mát của đậu trắng nên chỉ láng chút dầu ăn trong chảo đủ để các mặt đậu được rán vàng, tạo độ dai cho đậu để đậu không bị nát khi xào mà vẫn giữ được độ mịn mượt bên trong.
Nếu bạn thích ăn đậu dai, hãy cắt nhỏ rồi chiên phồng miếng đâuk. Sau đó ướp đậu với chút muối và xì dầu. Món rau của bạn thêm vị dai dai chắc chắn sẽ rất hấp dẫn không kém bất kì một món xào nhiều thịt nào khác.