Chuyển nhà

Vâng, lại chuyển nhà ạ. Nhưng lần này không còn là “chung cư” mà là nhà riêng, riêng hoàn toàn từ A-Z.

Mặc dù nhà vẫn còn nhiều hạng mục chưa được hoàn thiện nhưng mình/tớ/em/chị rất vui mừng được mời mọi người sang “nhà mới” cùng chia sẻ đam mê và phiêu lưu với mình/tớ/em/chị nhé.

Địa chỉ nhà mới của Ribbon giờ ở đây mọi người ạ :

http://www.theribboncafe.com/

web

Và cũng nhân dịp tân gia, mọi người tới thăm nhà sẽ được nhận quà của Ribbon là 1 mini ebook với chi tiết về 3 set ăn rất “chất” dành cho Giáng sinh này, kèm theo công thức, cách làm còn có cả phần chia sẻ rất tỉ mỉ về kĩ thuật cũng như vài tư vấn về rượu vang song hành nhé.

Hi vọng mọi người yêu thích thực đơn này và có một Giáng sinh vui vẻ với The Ribbon

hoat dong cong dong

Hẹn gặp lại mọi người ở “nhà mới” nhé ❤

DƯA CHUỘT TRỘN GIẤM ỚT

 photo duachuottronchuacay_zps8602fe38.jpg
Món thứ 2 cũng “bất hủ” không kém món dưa bắp cải là Dưa chuột trộn dấm ớt. Món này thì cả dính dáng tới tuổi thơ đứa nào trong 2 đứa tớ đâu nhưng mà bố tớ nắm bắt cực nhanh sau 1 lần chị em tớ “phăng”
Kể ra mà nói công thức thì cũng kì lắm vì nó chỉ là quả dưa chuột bổ đôi, cắt chéo rồi cho vào bát, bỏ vào đấy tí muối, xíu đường rồi vắt 1 quả chanh, cắt nhỏ quả ớt trộn đều một lúc là ăn được. Nhiều khi không có chanh mà sẵn lò dấm tỏi ớt thì cứ thế “phi” vào luôn. Thế là bữa trưa vội của mấy bố con có cơm, có rau và có thịt ( luộc là chắc chắn luôn – 2 chị em đi học, bố đi làm về cắm cơm chỉ có vứt quả trứng vào nồi cơm, thả miếng thịt vào nồi nước – thế là có bữa cơm xom 3 hay 4 món ) Nhân thể, theo các bạn tớ có nên chia sẻ nốt cái món trứng hấp cơm dầm mắm rất chi là huyền thoại của bố con tớ không nhỉ? Nhớ hồi cái con bé em đi học bán trú mẫu giáo với cấp 1, mình học cấp 2 tan lúc 12h về hay được chiêu đãi bữa cơm có rau luộc với 2 quả trứng háp cơm dầm mắm. Trẻ con thì thích trứng nên tới giờ mình vẫn thấy cơm hồi ấy sao mà ngon thế chứ. Cơm nóng dằm cái lòng đỏ trứng bùi bùi mặn mặn vào, vừa thổi vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng. ( Viết thế thôi mà đói )
Về lại chủ đề chính, cái món dưa chuột chua cay này thì “xổi” và dễ không còn gì để tả. Và nó ngon hay không thì chỉ ở 2 yếu tố như sau:
1 là dưa chuột ngon. Chọn được quả dưa nếp dài dài, gầy gầy, vỏ xanh thẫm có mấy cái gai xanh, thoáng lấm tấm trắng thì không còn gì bằng. Dưa ấy cắt ra đặc ruột, thơm mùi…nếp mà giòn tan ra ấy. Chả may chọn phải quả dưa lai béo mập tròn căng, vỏ láng đe và vân trắng nhiều hơn xanh thì cầm chắc ăn nhạt lách, cùi mỏng, ruột nhiều. Với giống ấy thì đem trộn như thế này nhớ cảo bỏ ruột đi không thôi là nó ra nước thì món trộn nhạt nhẽo lắm.
2 là thời điểm trộn. Trộn sớm quá dưa ra nước hết, mềm nhũn. Trộn muộn quá dưa không kịp ngấm, ăn chả khác gì dưa chấm muối chanh. Vậy trộn lúc nào thì vừa? Chịu, chả nói được bao nhiêu phút bao nhiêu giây đâu. Cái này phụ thuộc bạn cắt dưa dày hay mỏng. Cắt dày thì cần nhiều thời gian để ngấm, cắt mỏng thì có khi phải ăn ngay. Trộn vừa khéo thì ăn dưa ngấm mà vẫn giòn, còn trộn sai thì … biết rồi đấy. Cái giống đồ ăn ấy, nhiều khi càng đơn giản lại càng khó. Đơn giản quá nên chả có tiêu chuẩn qui tắc, nên để ngon được thì mới biết tài của người làm khéo tay đến đâu. Tớ thì tớ ưa cắt dày, cắt chéo miếng dưa đi cho ngon mắt rồi đảm bảo nó giòn lâu, ra nước ít. Trộn xong một hồi thì bấm giờ rồi ăn thử, vài lần là quen tay ngay thôi.

 photo duachuottron-nemran_zps42e5e803.jpg

DƯA BẮP CẢI MUỐI CHUA CỦA BỐ

 photo caibapmuoichua_zps77317851.jpg
Tớ vẫn nhớ, ngày bé, cứ chủ nhật mẹ đi chợ sang về, ới 1 cái là tớ cắp rổ ra cho mẹ dỡ đồ từ giỏ xe đạp vào. Bao giờ, trong chiếc giỏ xe ấy cũng có dăm cái lá bắp cải già xin ở hàng rau xe thồ. Mẹ bảo, cẩn thận đừng có làm nát, mang vào nhà để tí bố muối dưa.
“Dưa bắp cải kiểu Việt Nam thuần túy có thể có cần hoặc không nhưng nhất thiết phải có rau răm và được muối từ lá già của cải bắp. Dưa vàng đẹp, ăn giòn tan và không bao giờ lên váng – ấy là một vại dưa đạt chuẩn.” Bố dạy thế rồi 2 chị em thi nhau gật gù, tranh nhau thả dưa vào vại.
Tớ đi qua khắp các mùa đông Hà Nội với vại dưa tiêu chuẩn của bố, đơn giản và ngon lành như thế . Giờ có lọ thủy tinh đẹp, người ta muối bắp cải trắng phau xen lẫn cà rốt đỏ đỏ vàng vàng bắt mắt. Nhưng mà với tớ, nó không bao giờ ngon được như vại dưa sành mộc mạc của bố. Mùa đông về rồi, đi chợ thấy bắp cải miền Bắc bèn bẹt nằm lăn lóc từng đống ở chợ. La cà vào chọn lấy 1 cái bắp cải chắc tay mang về luộc, tiện tay ngó thấy mớ lá già người bán tỉa vứ một xó, thế là xin 5-6 lá về. Chỉ một, hai hôm là có món dưa ngon. Chấm mắt ớt cay cứ gọi là ngon toẹt vời.
Để làm món dưa đơn giản mà ngon như thế này, cần có:
Dăm cái lá bắp cải già ( bắp cải bỏ đi 2 lớp lá xòe ngoài cùng, lấy tiếp 2 lớp bên trong không quá cỗi mà già vừa phải, màu xanh đậm hơi phớt trắng là vừa bánh tẻ. Nếu ví ra, người ta gọi là lá già “trung niên” ấy )
1 mớ rau răm
1 cái vại sảnh
Nước sôi– muối hạt – đường trắng
1 cái vỉ/phên tre và 1 cục đá nén
Cách làm:
Đầu tiên mang lá cải bắp đi rửa thật sạch. Vẩy ráo rồi thái sợi thật nhỏ mà dài. Rau răm cũng nhặt rồi rửa sạch, để cho thật khô ráo nước. Xong xuôi trộn đều 2 thứ rau với nhau.
Vại sành rửa sạch sẽ từ lần muối trước, đem ra phơi 1 nắng cho khô sạch. Trước khi dùng thì tráng nước sôi rồi úp ngược xuống cho ráo nước.
Pha nước muối dưa theo tỉ lệ 1 thìa muối : 2 thìa đường: 1 lít nước rồi gạn bỏ cặn bẩn. Cho vào vại sành để nước nguội bớt, khi nào còn âm ấm tay thì cho rau vào. Cài phên cho kín rồi nén chặt tay cho rau ngập hết trong nước muối.
Đặt cái vại vào góc bếp ấm áp, sau 1-2 ngày là dưa chua ăn được rồi.
Ăn kèm cái này với thịt luộc, chấm mắm tỏi ớt hay chỉ là ăn không dầm nước mắm thật cay…phê đã đời luôn.

CÁ TRÊ BỎ LÒ CUỐN BÁNH TRÁNG

Ngày lễ, ngày nghỉ, cả nhà quay quần bên bàn ăn, nhâm nhi món cá nướng nóng hổi, chậm rãi cuốn miếng cá vào trong chiếc bánh tráng rồi từ từ thưởng thức món ăn, vừa trò chuyện vui vẻ… Ấy là truyền thống của nhiều gia đình vào dịp lễ, khi mà con cháu cùng tựu tề đông đủ ở nhà.
Giờ, chúng ta cùng nhau xem thử món cá nướng ngon tuyệt ấy có khó làm không nhé.
Nguyên liệu: Cho 6-8 người ăn
1 con cá trê phi 3-3,5kg
Hành hoa 300gr
Thì là 300gr
Xốt ướp cá
Hành tím 100gr
Giềng xay 100gr
Nghệ 30gr
Gừng 50gr
Sả 3 củ
Ớt sừng 2 quả
Dầu ăn 100ml
Mắm 100ml
Đường 3 tbs
Đồ cuốn
Dứa 2 quả
Khế chua 3 quả
Dưa chuột 300gr
Bún 0.5kg
Bánh tráng gạo
Rau sống: xà lách, giá đỗ, hung, tía tô, ngổ
Nước chấm:
Ớt sừng băm nhuyễn 1 muỗng
Tỏi băm 1 muỗng
Lá thì là thái nhuyễn 2 muỗng
Đường trắng 3 muỗng
Mắm ngon 2 muỗng
Nước chanh 1 muỗng
Nước đun sôi 200ml ( hoặc hơn tùy độ đậm nhạt )

Cách làm:
1. Cá trê moi ruột, xát muối giấm kĩ cho hết nhớt rồi cạo lại sạch dưới vòi nước chảy, để ráo
 photo m1_zpse59cee75.jpg
2. Xay nhuyễn toàn bộ nguyên liệu làm xốt rồi trộn dầu ăn, mắm, đường vào cho đều ( có thể thêm muối nếu bạn thích ăn đậm nhưng cá để cuốn cho nên còn chấm mắm nữa, vì vậy bạn đừng ướp mặn quá )
3. Khứa các đường chéo trên thân cá. Nhồi hỗn hợp xốt ướp vào. Để nguyên 30p cho cá thấm gia vị.
 photo m2_zps376a19b2.jpg 4. Thì là, hành lá nhặt sạch cắt khúc.
Rau sống nhặt rửa sạch.
Khế chua, dưa chuột, dứa bỏ ruột cắt que.
Pha nước chấm sẵn theo tỉ lệ công thức trên ( có thể thêm bớt nước cho vừa khẩu vị)
5. Bật lò nóng 250 độ C – 2 lửa. Cho cá vào khay nướng sâu nướng trong vòng 60p là cá chín. Trong quá trình nướng thỉnh thoảng lấy khay cá ra và dội xốt lên cho cá thấm đều xốt ( 1-2 lần là đủ) Khi nước xốt cạn và cá xém vàng là cá chín.
 photo 1_zpscd0fd7df.jpg 6. Bắc chảo nóng, cho chút dầu ăn vào xào chín tới thì là và hành hoa, dội hành-thì là lên trên cá. Bỏ vào lò lại 5p.
 photo m3_zpsad291cd4.jpg
7. Dọn rau sống, bánh tráng, bún ra bàn.
Chia nước chấm ra từng bát cho từng người.
Dọn cá lên dùng nóng.
 photo 3_zps1bb4c430.jpg
Nguyên liệu thì nhiều nhưng cách làm rất đơn giản phải không các bạn?
Cá trê phi rất nạc và chắc thịt, ngoài xương sống ở giữa thì hoàn toàn không có xương dăm – giống như cá quả vậy. Lễ này, nếu cá lăng, cá quả “cháy hàng”, bạn hãy mạnh dạn chọn cá trê phi để làm thực đơn nhà mình thêm phong phú nhé.

 photo canuong_zps65a6ffdf.jpg

Petit Pain – Làm bánh mỳ, có khó gì!

 photo 3_zpse5ffc645.jpg

Nguyên liệu:
2 1/2 cup nước ấm
3 tsp men khô
1/2 tsp muối
3 tsp sugar
4 1/2 cup bột bánh mì (high gluten flour)
4 tbs dầu ăn
2 tbs sữa đặc có đường

Cách làm:
 photo m1_zps0b4f1e29.jpg
1. Trộn đều bột mì, đường, men khô trong một tô lớn.
Từ từ thêm nước vào trộn đều.
Bật máy chạy 15p ở tốc độ thấp nhất cho máy nhào trộn bột thành 1 khối dẻo dai, không dính tay.
Nếu không có máy: Sau khi trộn cho bột vừa quện vào nhau thì bạn chuyển khối bột ra bàn nhào với chỗ bột mì còn lại cho tới khi bột không dính tay, dai, mịn.
 photo m2_zps010e9282.jpg
2. Cho khối bột vào lại tô, xịt lên mặt bột chút xíu nước ( phun sương) bọc kín miệng tô và tiếp tục ủ 45p hoặc khi thấy bột nở gấp đôi.
3. Sau khi ủ, mang khối bột ra đấm xẹp và nhồi nhẹ vài cái.
Để bột nghỉ trong khoảng 10p rồi đem chia thành các phần nhỏ.
Cán bột thành hình tròn rồi cuộn lại tà hai phía.
Gấp mí bột lại cho dính chặt
Lăn nhẹ cho bánh tròn – dài đều ra đồng thời vê hai đầu bánh nhỏ thuôn lại.
 photo m3_zps88c3a4c2.jpg photo m4_zpse804c4c7.jpg
4. Rây một lớp bột mỏng lên khay nướng nếu khay của bạn không chống dính hoặc lót giấy nướng bánh lên khay.

Nhẹ nhàng xếp bánh đã tạo hình lên khay – đặt mí gấp bột xuống phía dưới.
Phủ lên phía trên mặt bánh một lớp khăn ẩm và ủ trong 15p

5. Dùng dao rạch bánh mì hoặc dao lam bén rạch đường nở lên mặt bánh mì ( chéo hay thẳng đều được )
Quét một lớp nước mối loãng lên mặt bánh và tiếp tục ủ thêm 15 – 25 phút nữa ( ổ bánh mì nhỏ thì thời gian ủ ngắn, ổ bánh lớn thì ủ lâu hơn một xíu ) cho bánh nở gấp đôi là được. Bánh sẽ tiếp tục nở lớn hơn khi nướng. Tránh để ủ lâu quá vì khí ga sinh ra trong quá trình ủ sẽ làm bánh có mùi cũ, không còn mùi vị tươi mới-thơm ngon
Có thể rạch bánh ngay sau khi tạo hình cũng không sao. Đường nở trên mặt bánh lúc này cần được rạch sâu hơn với góc nghiêng 45 độ và cũng không cần phải quá nhẹ tay. Bánh sau khi nướng nở ớn và đẹp.
Chuẩn bị lò nướng ở 190 độ C, hai lửa

6. Xịt nước lạnh vào trong lò và nhanh tay đưa khay bánh vào lò.
Nướng bánh trong khoảng 30 phút hoặc cho tới khi thấy mặt bánh vàng và bánh róc khỏi khay là được( như vậy là bánh vàng giòn cả hai mặt)

 photo 1_zps89cfd2ee.jpg
Lúc nóng thì vỏ bánh giòn, để nguội thì bánh ỉu ( tất nhiên ) nên muốn ăn bánh giòn mà không bị khô thì ta lại quét một lớp nước mối loãng lên trên rồi nướng lại trong vài phút. Bánh mì lại ngon y như mới ra lò.

Tự tay chuẩn bị thêm mấy món đồ nguội để làm nhân kẹp bánh mì và vài phần ăn kèm, bữa ăn dã ngoại ngon lành và đảm bảo đã sẵn sàng chờ bạn lên đường rồi.
 photo 2_zps8575c000.jpg

Bún cá thu măng chua

Đi Nha Trang về canh cánh nhất món bún cá dằm nơi đây. Nước dùng trong veo chỉ có vị ngọt của thịt cá tươi, hoàn toàn không bóng vãng mỡ, lợ mì chính. Hỏi ra mới biết bún cá dằm được nấu đúng kiểu Ninh Hòa là phải dùng cá bò tươi roi rói mới đánh lên, gỡ xương lấy mỗi thịt nấu ra thứ nước dùng thanh tao ấy. Bét nhất thì cũng phải cá bớp, cá ngừ trắng còn tươi chứ không thì tanh không ăn nổi. Vì nguyên liệu kén chọn lắm công phu nên cái món ăn tưởng chừng bình dân giản dị, đi đâu ở Nha Trang cũng bán sáng, chiều, tối mà thật khó làm tại gia ( Nhất là ở cái đất Hà Nội thứ gì cũng là buôn lên bán lại, hàng hải sản không ướp đá thì cũng đông lạnh) Thèm ăn bún cá nước trong mà nghe chừng bất khả thi.

Một ngày nọ ứ đẹp giời, cái số đưa đẩy, bụng tôi thì thèm bún cá mà giời thì mưa bão sụt sùi. Chả nhẽ có 2 vợ chồng mọn mà lao đầu ra chợ trưa giữa giông gió đi mua…cái gì mà chính mình chưa biết. Đứng tần ngần trước tủ lạnh thì nhẩm ra mình còn 1 hộp bún tươi, dăm khúc cá thu một nắng, cà chua chín, măng Mộc Châu. Thế là cái món này ra đời. Hờ hờ, ăn ngon đáo để. Thế là nhà có thêm 1món cho vào list lai căng nửa Bắc, nửa Nam để đem ra đãi nhau vào cuối tuần muốn đổi vị ăn ngon mà lười bày vẽ.

Bún cá thu nấu măng chua phảng phất vị biển Nha trang ở thứ nước dùng trong, được nấu chỉ bằng cá nhưng lại mang hương vị rất Bắc khi sử dụng măng muối chua Mộc Châu. Có thể nói rằng đây là món bún cá bắc nam hội tụ rất khác lạ nhưng ngon miệng mà lại dễ làm cực kì ấy.

Cắt thêm vài lát ớt xanh, ớt đỏ dầm bát mắm cay xè. Vừa ăn bún măng chua xì xụp, vừa xuýt xoa cá dầm chấm mắm ớt cay chảy nước mắt lại phải nhanh tay với lấy miếng dưa chuột chẻ xoa dịu cái lưỡi sưng phồng, thế nhưng không kìm được tay kia cầm đũa dằm tiếp miếng cá để chấm mắm ớt, rồi lại múc một thìa nước húp sột soạt tới to căng…

 photo 4_zps5d2302cc.jpg
Nguyên liệu:
1 khoanh cá thu ( 200-300gr)
1 muỗng rượu trắng
1 quả cà chua chín
1 củ cà rốt nhỏ
1 nắm hành hoa
Vài lát gừng khô
1 bát nhỏ măng chua Mộc Châu
1 thìa nước mắm ngon
2 muỗng nước mơ ngâm
Bún tươi ( 2 người ăn)
Dăm cánh mùi ta ( nếu có)

Cách làm:
1. Cá thu đông lạnh cắt miếng nhỏ bằng 2 bao diêm ( Cắt tư với khúc nhỏ, 6-8 với khúc to). Ướp cá với rượu rồi để 30 phút đến 1h cho rượu thấm, cá rã đông.
2. Nấu một nồi nước sôi, thả vào 1 nắm đầu hành, 2 lát gừng sấy khô và 1 củ cà rốt nhỏ ( đã gọt vỏ)
 photo m2_zps8310ee1f.jpg
3. Nước sôi già cho cá thu vào nấu 10p cho cá thu chín. Hớt bọt lúc nước sôi lại cho nước được trong và bớt tanh. Sauk hi cá chín có thể dằm nhẹ 1, 2 khúc cá thu ra cho ngọt nước.
4. Cho măng chua, mắm và nước mơ vào. Nước sôi lại thêm cà chua. Nếm nước dùng cho vừa miệng, nếu nhạt chó thể thêm muối.
5. Chia bún ra tô. Vớt măng, cá, cà chua xếp lên trên bún. Rắc hành, mùi ta. Chan nước dùng và rắc chút tiêu, dùng nóng.
 photo 3_zps84955f19.jpg

Bí quyết của tôi:
Cá thu đông lạnh dù là cá một nắng thì cũng tanh gắt hơn cá tươi rất nhiều nên khi nấu canh, bún phải khử tanh kĩ càng. Trong hướng dẫn phía trên, lần khử tanh đầu tiên tôi sử dụng rượu trắng để làm sạch cá lần 1. Tiếp theo tôi dùng gừng khô để khử tanh nhưng không tạo vị cay nồng làm mất vị thanh của nước. Hành cũng góp phần giúp cá bớt tanh mà lại làm nước dùng trong và ngọt. Cà rốt thêm vào để làm ngọt nước nên bạn có thể bỏ đi hoặc ăn kèm đều được. Măng chua vừa tạo vị chua dễ ăn cũng góp phần đánh bay mùi tanh của cá, khử mùi hôi của mắm.
Cuối cùng, bí quyết của riêng tôi là dùng 2 muỗng nước mơ ngâm đường để vừa tạo vị ngọt thanh, khử mùi chua gắt của măng và thay bằng mùi mơ chua thơm dịu, đồng thời, đánh bay hoàn toàn vị tanh tao còn sót lại.
 photo 2_zpsd8cf238e.jpg

Cải thìa xốt dầu hào – giản dị ngon cơm

Cải bẹ trắng hay cải thìa, cải chip mùa này mập mạp, ngọt giòn cực kì ấy các bạn. Ngoài xào thịt bò, nấu canh đậu hũ, hôm nay các bạn thử làm món cải xốt dầu hào thử xem nhé. Cực kì đưa com mặc dù cách làm đơn giản vô cùng.
 photo 2_zps97781716.jpg
Nguyên liệu:
300gr cải thìa ( cải chip)
1 củ tỏi
2 muỗng dầu vừng
2 muỗng dầu hào

Cách làm:
 photo m1_zpsf550c6d5.jpg
1. Cải thìa nhặt bỏ bớt phần lá già. Dùng dao cắt đôi gốc cải rồi xé dọc thân để chia cây cải làm 2 phần đều nhau.
2. Ngâm cải trong nước pha chút muối trong 30 phút rồi cầm gốc cải giũ mạnh trong nước cho sạch đất bám. Cuối cùng xả gốc cải dưới vòi nước chảy ( lất mặt cắt lên) để đất cát bám ở các kẽ lá trôi sạch hoàn toàn.
3. Bắc một nồi nước, cho chút muối hạt vào đun sôi rồi thả cải vào chần trong 30 giây.
Vớt cải ra xả nước lạnh cho cải nguội rồi để cho cải ráo nước.
 photo m2_zpse6aa100e.jpg
4. Trong lúc đợi cải ráo nước. Ta bóc tỏi rồi đem tỏi phi thơm với dầu mè.
5. Cho cải xào đảo nhanh tay. Bật bếp to hết cỡ.
Trút dầu hào vào đảo cho cải bám đều dầu hào.
 photo m3_zps0b39a81d.jpg
6. Cải thìa rất nhanh chín nên khi cải bám đều xốt ta tắt bếp trút ngay cải ra đĩa.
 photo 1_zpsa098490b.jpg
Bạn có biết:
Dầu hào là một trong những gia vị quan trọng trong ẩm thực Trung Hoa. Dầu hào nguyên chất được làm từ những con hàu tươi nấu với xì dầu, gia vị và muối rồi cô đặc lại sau nhiều giờ đun nấu thành dạng xốt đặc.
Ngày nay, cũng như các loại nước xốt khác, dầu hào cũng phải được chế biến dựa trên chiết xuất công nghiệp. tỷ lệ chiết xuất từ hàu thường là khoảng 30%. Còn lại là các thành phần khác như đường, đậu tương, muối, bột mì, tinh bột ngô và các gia vị phụ gia thực phẩm khác.
Khi sử dụng dầu hào nguyên chất, bạn sẽ phải thêm xì dầu, đường để xốt đậm đà. Tuy nhiên, với xốt bán sẵn như hiện nay, bạn có thể sử dụng trực tiếp để nấu và ăn.

Cá thu một nắng xốt cà chua

Cá thu một nắng thấm đượm mùi nắng hè, mặn mùi gió biển bỗng chốc biến thành món ngon thơm nức trên mâm.
 photo 2_zpscc1bdeab.jpg

Nguyên liệu:
1 khúc cá thu 1 nắng ( khoảng 2-300gr)
2 quả cà chua
1 nắm hành lá
1 nửa củ tỏi
Ớt ( tùy ý )
Dầu mè
Gia vị: tiêu, muối, nước mắm

Cách làm:


 photo m_zps51b8c963.jpg
1. Cá thu đông lạnh để ra khỏi ngăn đá trước 30 phút -1 h cho xả đá bớt. Rửa qua cá dưới vòi nước chảy rồi thấm khô cá. Cắt cá thành 2 hoặc 3 phần để dễ rán và cá được nhanh ngấm.
2. Cho 1 muỗng dầu mè vào chảo. Áp chảo mỗi mặt cá khoảng 2-3 phút cho vàng. Không cần chiên cá chín vì còn xốt cá. Nếu chín kĩ quá thì sau khi om cá dễ bị khô cứng, bớt ngọt thịt.
 photo m1_zps18ddaa79.jpg
3. Sau khi 1 mặt miếng cá vàng, ta lật mặt cá, cho đầu hành và tỏi đập dập vào chảo phi thơm. Đậy vung 2 phút cho cá chín dần.
4. Hành tỏi vàng thơm, thêm cà chua cắt múi cau vào. Tiếp tục đậy vung om cho cà chua mềm.
 photo m2_zps7926fdd4.jpg
5. Thêm mắm, tiêu và vài lát ớt ( tùy ý) vào om cá thêm khoảng 5 phút là cá chín. Lật mặt miếng cá và om thêm 5 phút. Rắc đầu hành, thêm tiêu vào.
Dọn cá ra đĩa dùng nóng với cơm nóng rất ngon.


 photo 3_zps2f8f98d6.jpg

Mách bạn:
Cá một nắng đơn giản là cá tươi chỉ được phơi trong một buổi (thường là từ trưa đến xế chiều). Có nhiều loại cá có thể đem làm cá một nắng như cá hồng, cá dứa, cá nục, cá mối … nhưng ngon nhất vẫn là cá thu. Cá thu tươi roi rói vừa mang lên từ dưới thuyền, thân tròn lẳn, bóng nhẫy, bấm tay thấy chắc nịch. Làm sạch cá, bỏ ruột, cắt thành từng khoanh dẹt, phủ một lớp muối hạt mỏng lên trên, xếp cá trên các mẹt tre rồi mang hong dưới nắng. Gặp ngày nắng to, chỉ cần phơi khoảng 4 giờ nắng là miếng cá hơi se lại, cầm vẫn mềm nhưng lát cá đã khô nước, phần da cá còn in dấu chiếc mẹt tre là có thể đem chế biến. Cá thu một nắng chỉ cần chiên vàng đều 2 mặt, khi rán nấu không quá kĩ làm mất hết vị ngọt của cá tươi.
 photo 1_zps18588a20.jpg

Capellini xào ngao

 photo 3_zps6b7037b3.jpg
Mưa bão sụt sùi khiến đường đi chợ thật xa và chợ cũng thật thiếu màu sắc, nhưng không vì thế mà cản trở bữa ăn của chúng ta kém ngon hơn. Chưa kể tới trong vườn có chậu hương thảo quyến rũ còn húng quế thì tươi hơn hớn ngoài vườn. Ứ chịu nổi nữa rồi, cầm kéo đi cắt vào làm nghĩ ra món ăn ngon lành nóng sốt thôi. À, nhà lại có mì ống nữa chứ :> Vậy thì pasta nào!
 photo m11_zps58c69fff.jpg

Nguyên liệu
0.5 kg ngao
150 g cà chua
50gr ớt chuông
3 tép tỏi băm nhuyễn
1 nắm húng quế
1 nhánh hương thảo
10g bơ nhạt
Muối, tiêu
Dầu olive

Cách làm:
 photo m2_zpsa7cb7b93.jpg
1. Ngao ngâm nước gạo 2h cho nhả sạch đất cát. Dùng bàn chải chà sạch đất bám ngoài vỏ ngao.
2. Rửa sạch cà chua, húng quế, hương thảo.
3. Bắc chảo nước lên bếp. Đợi nước sôi thì luộc mì theo hướng dẫn trên bao bì. Ở đây mình dùng cappellini nên luộc 3p thì mì vừa chín tới, vẫn “al-dente” – mì vẫn hơi cứng ở giữa chứ không chín mềm nhũn.
 photo m3_zpsc18fd775.jpg
4. Cùng lúc bắc 1 chảo khác cho tỏi vào phi thơm với 1 muỗng dầu olive và bơ. Tỏi thơm cho cà chua vào xào qua. Cho ½ cup nước luộc mì vào om cho cà chua chín mềm. Cho ớt chuông cắt miếng vào. Om 1 phút cho ớt chín tái.
5. Cho ngao vào. Đảo ngao 1 lượt thấy ngao hơi mở miệng thì cho lá hương thảo vào. Tiếp theo cho ½ chỗ húng quế vào. Đậy vung om ngao khoảng 1-2 phút.
 photo m4_zps6f1f7e62.jpg
6. Lúc này mì chín, vớt mì ra. CÙng lúc ngao mở miệng thì trút toàn bộ mì vào đảo cho mì ngấm xốt.
7. Trút mì ra đĩa rồi rắc chỗ hung quế còn lại lên trên. Ăn nóng.

 photo 1_zps4ce9ea61.jpg

Bạn có biết:
Khi lựa chọn loại mì ống và nước sốt để phục vụ với nhau, có một quy tắc chung là phải được quan sát để có thể kết hợp 2 thứ với nhau hòa quyện và ăn ý. Nước sốt đơn giản như pesto là lý tưởng cho các sợi mì ống dài và mỏng trong khi nước sốt cà chua kết hợp tốt với mì dày. Nước sốt đặc và quánh hơn có khả năng tốt hơn để bám vào các lỗ hay khe cắt trên các loại mì hình ống, mì xoắn. Đối với loại mì sợi nhỏ như cappellini, nước xốt nhẹ và có độ lỏng là thích hợp. Nước sốt nên được phục vụ cân đối với mì, phủ tràn để có thể bám đều vào từng sợi mì và vẫn còn dư lại trên đĩa sau khi ăn.
Đôi khi bạn sẽ thấy các nhà hàng Ý phục vụ một mẩu bánh mì nướng nhẹ kèm theo đĩa mì ống. Sau khi dùng hết mì, người Ý sẽ dùng chính mẩu bánh mì này vét sạch phần nước sốt còn dư trong đĩa. Có một điều rất thú vị là trong khi các nhà hàng Ý khắp thế giới đều phục vụ món bánh mì nướng bơ tỏi thì người Ý lại ăn bánh mì nướng bình thường, không kèm bơ.
 photo 2_zpsf03b54d4.jpg

Apple Crumble – Bánh táo vụn siêu tốc

Có 1h để chuẩn bị bữa tối thì thực sự tôi đã mất tới 45 phút cho Mì thịt viênSalad Mozzarella tươi, không chỉ nấu mà còn vừa nấu vừa chụp. Vậy nên khi mọi người sắp đặt bàn ăn xong thì tôi mới bắt tay vào làm món trangsd miệng và dọn dẹp bãi chiến trường luôn.
Lựa chọn này quả không tồi vì chỉ sau vài màn “cắt” và “bóp” thì món bánh cứ thế chín vàng giòn trong lò trong khi tôi có thể thảnh thơi ăn tối và tám chuyện cùng gia đình. Nếu tiếp tục ý định ban đầu là galette táo thì chắc tôi chắc còn phải đứng nhào bột, trộn bột rồi cán cắt chán chê trong khi đĩa mì ý đang nguội dần.
Sau 15 phút thì cái lò kêu “ting” 1 cái. Mặc nó đấy, sau khi mọi người ăn xong salad và mì thì mấy cái cốc sứ cũng nguội dần và tôi chỉ việc bước xuống bếp và bê món tráng miệng lên ( tất nhiên “lượt đi” bê đĩa dơ xuống và “lượt về” mang món bánh táo lên” trong sự ngạc nhiên thích thú của gia đình.
Một cảm giác rất “PHỞN”!
 photo 2_zps960adc35.jpg
Nguyên liệu:
2 trái táo ( Táo giòn mùa này hơi chua, cực hợp nhé)
100gr bơ để lạnh
140gr đường
130gr bột mì
Vài lá bạc hà nhỏ
1 tsp vanila extract
1 tsp nước cốt chanh

Dụng cụ: 4 khuôn ramenkin sứ nhỏ

Cách làm:
1. Bật lò nướng ở 200 độ C
 photo m1_zps2b486ec5.jpg
2. Táo gọt bỏ vỏ, cắt hạt lựu.
3. Cho 50gr đường vào chảo. Bật bếp cho thắng cho đường chuyển màu vàng thì cho táo vào xào. Thêm 10gr bơ. Tiếp tục xào cho táo chuyển thành màu caramel thì tắt bếp. Cho tinh chất vanilla vào đảo đều. Chia táo vào 4 ramenkin
 photo m2_zpsf6572c0c.jpg
4. Cho phần bơ, đường còn lại cùng với toàn bộ số bột vào bát tô. Bóp vụn cho hỗn hợp chuyển thành dạng cát mịn. Trộn lá bạc hà vào.
5. Phủ hỗn hợp bột bơ lên trên mặt táo cho đầy khuôn nướng.
6. Cho cả 4 khuôn nướng vào lò, nướng ở nhiệt độ quy định trong vòng 10-15 phút hoặc cho tới khi thấy bề mặt bánh chuyển màu vàng là bánh chín.
 photo 3_zpsd8f2744a.jpg
Bánh rất ngon khi dùng nóng. Từng miếng bánh thơm bùi vị bơ tan ra béo ngậy trong miệng, thoang thoảng mùi bạc hà tươi mát, quện cùng táo chưng caramel chua chua ngọt ngọt quyến rũ. Kết thúc bữa ăn với móng tráng miệng tuyệt ngon như vậy, có thực khách nào mà không hài lòng?